Cụ ông Trần Quốc Luân hỏi

42- Vị thứ bốn mươi mốt: Cụ ông Trần Quốc Luân, sanh năm 1920 (90 tuổi), tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Cư ngụ tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, hỏi:
Tôi xem các quyển sách của tác giả Nguyễn Nhân viết, do Thầy dẫn giải, tôi có dụng công ngồi thiền bị các chứng đau như sau:
– Đầu hay bị ê, cổ, tay, vai thường hay bị đau, xin hỏi Thầy, vì lý do gì mà tôi bị như vậy?
 
Trưởng ban trả lời:
– Thưa cụ trong quyển sách thứ 3 chứng tôi có hướng dẫn ngồi thiền, chỉ nói đại cương chứ không nói tỉ mỉ. Sở dĩ, chúng tôi nói như vậy là vì không biết có ai dụng công ngồi thiền không. Không ngờ, sách của tác giả Nguyễn Nhân viết ra chúng tôi nhận trên 300 câu hỏi về cách ngồi thiền. Trong nước, nhiều nhất là khu vực Tp. Hồ Chí Minh, kế đến miền Tây. Còn nước ngoài, tiểu bang California, Texas và Boston.
Vì quá nhiều người hỏi, nên chứng tôi xin giải thích từng chi tiết một và phân tích tỉ mỉ, mong cụ cố gắng thực hành sẽ có kết quả rất tốt:
Ngồi thiền, phải hiểu 3 căn bản như sau:
1. Điều thân và xả thân.
2. Điều hơi thở và kiểm soát hơi thở.
3. Điều tâm và cách kiểm soát tâm, nhận tâm nào là tâm vọng, tâm nào là chơn?
Giải thích về ngồi thiền:
Ngồi là sử dụng thân, nhưng thân phải thực hành cho đúng theo nguyên lý âm dương và nhân quả, bằng sai, sẽ gây phản ứng không tốt:
1. Điều thân và xả thân
Thân vào ngồi: Ngồi kiết già là tốt nhất. Trục đứng của xương sống và mặt đất phải vuông góc, 2 vai phải cho đồng, đầu và cổ phải thật ngay với xương sống. Nếu ngồi tọa cụ bằng chiếu cứ để tự nhiên; còn ngồi bằng bồ đoàn bằng niệm muse hay bông gòn chiều cao 5 phân, phải cho phần mông cao hơn phần chân từ 1, 5 đến 2 phân.
Vì sao phải cao?
Vì trọng lượng của thân nặng hơn chân, nên xương khu bị lún hơn phần chân. Chúng tôi đã thí nghiệm nhiều lần bằng phim X-Quang: Khi ngồi bồ đoàn, không chêm phần mông, thì phần xương cùng của xương sống bị thấp hơn phần chân gần 2 phân, nếu bị lệch như thế, dây thần kinh nơi xương bánh chè bị chèn ép dễ tê chân. Bất cứ tư thế nào ngồi sai sẽ sanh ra đau hoặc tê cả.
Xả thân ngồi: Ngồi từ 2 giờ trở lên, khi xả ngồi phải tuần tự các động tác như sau sẽ không sanh ra bất cứ thứ bệnh gì:
Đầu tiên, mở mắt từ từ trở về bình thường, kế lắc nhẹ đầu, 2 vai, thân, rồi 2 tay, tay phải nắm kín các đầu ngón chân trái, tay trái nắm kin các đầu chân phải độ 1 phút, chân nào trên, dở ra trước, dở ra từ từ, để 1 phút, chân còn lại lần lần bung ra, cũng để 1 phút, khi nghe máu 2 chân lưu thông bình thường mới bỏ 2 tay nắm đầu các ngón chân ra, duỗi cho 2 chân thẳng ra, vì trong lúc máu lưu thông mạnh sẽ tống điện âm dương từ trong thân ra ngoài, nhờ tay giữ lại, nên điện từ âm dương sẽ chạy theo tay trở vào cơ thể, làm cơ thể không mất điện.
Xong, kế tiếp co 10 đầu ngón tay lại, cào từ trán ra sau ót, 10 lần, nhiều hơn càng tốt, để tất cả các lỗ chân tóc trở lại bình thường thì không bị nhức đầu sau khi ngồi thiền.
Tiếp theo, dùng 2 tay chà với nhau cho nóng và áp vào mặt 10 cái. Cũng dùng tay vuốt 2 bên mũi, trên mặt, 2 bên lỗ tai, sau cổ, trước cổ họng, xoa tròn trước bụng và ngực, phần trước bụng và ngực xoa ngược và xoa xuôi, còn sau lưng, dùng 2 tay chà xát từ mông lên hướng 2 bả vai, chà xát từ 2 bên mông xuống 2 chân và ngược lại, tất cả làm 10 lần. Nói tóm lại, nên xoa tất cả các nơi từ đầu đến chân, khi xong nằm xuống, lăn qua, lăn lại mỗi bên 5 lần, ẹo xương sống qua phải, qua trái, rồi đứng dậy, khom lưng, ển ngược 5 lần, rồi đi kinh hành ít nhất 10 phút. Khi đi, thẳng chân, gót chân chạm đất trước. Nhớ tâm lúc nào cũng thanh tịnh rỗng lặng và hằng tri.
Điều và kiểm soát hơi thở:
– Vào hơi thở: Ban đầu, hít 3 hơi thở cho thật mạnh, thật sâu, để không khí len vào tất cả các tế bào trong thân, khi thở ra cho hết, bụng phải xẹp, thở như vậy 3 lần, gọi là thông tất cả các huyệt đạo để điện từ âm dương trong thân mạnh và sáng lên:
Hơi thở thứ nhất:
Hít vào: Có tư tưởng đem vào các lỗ chân lông khắp châu thân, những tinh hoa trong lành tự nhiên của trời đất vào cơ thể, để cơ thể hòa cùng vũ trụ mênh mông bao la.
Thở ra: Tống ra theo khắp các lỗ chân lông những nhơ bẩn, ốm đau, bệnh tật, xui xẻo, ngu si, mê muội, xấu xí.
Hơi thở thứ hai:
Hít vào: Có tư tưởng đem vào các lỗ chân lông khắp châu thân: Những tự nhiên chân thật trong vũ trụ, nhất là Điện Từ Quang tự nhiên trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh.
Thở ra: Tống ra những thứ trì trệ, nặng nề, u tối đeo bám theo điện từ Âm Dương trong tâm và thân của mình.
Hơi thở thứ ba:
Hít vào: Có tư tưởng đem vào các lỗ chân lông khắp châu thân những lời vàng ý ngọc của các kinh điển Tối Thượng thừa mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy ở nơi thế giới này.
Thở ra: Từ trong cơ thể tống ra những mê lầm mà từ ngàn xưa đến nay mình đã huân tập vào trong thân tứ đại nhơ nhớp này, do đó, bị sai lầm này đến sai lầm nọ !
Thông đường Âm Dương bằng 6 hơi thở vừa:
Hít vào: Cho hơi thở bắt đầu từ hậu môn chạy theo xương sống ra lỗ mũi, gọi là thông đường Âm lên Dương.
Thở ra: Cho hơi thở từ lỗ mũi chạy theo xương sống xuống hậu môn tống ra, gọi là thông từ đường Dương xuống Âm
Ba lần hít vào và ba lần thở ra, có tư tưởng như sau:
Hít và thở lần 1: Cho tư tưởng tánh thấy, thấy sáng suốt, không lầm lẫn.
Hít và thở lần 2: Cho tư tưởng tánh nghe, nghe không ngăn ngại.
Hít và thở lần 3: Cho tư tưởng tánh ngửi, ngửi được mùi kỳ diệu trong Mười Phương.
Hít và thở lần 4: Cho tư tưởng nhận được tánh vị, vị ngon trong pháp giới.
Hít và thở lần 5: Cho tư tưởng nhận được tánh xúc chạm, xúc chạm được những điều kỳ diệu trong càn khôn vũ trụ này.
Hít và thở lần 6: Cho tư tưởng tánh biết, biết được rõ ràng chân tướng trong vũ trụ này.
Sáu cách hít thở trên gọi là “Nhị thông lục chuyển”.
Mở đường giải thoát:
– Sau cùng, điều khiển hơi thở nhè nhẹ 3 lần từ tim lên đỉnh đầu, thoát ra hư không, nhớ đừng duyên theo hơi thở, nếu duyên theo hơi thở, bị “hơi thở cột trói” liền, không giải thoát được!
Giới chuyên môn Thiền tông học gọi là “Tam giải thoát”.
Thực hành như sau:
1. Tâm nguyện nhất quyết vượt ra khỏi thế tục!
2. Tâm nguyện nhất quyết vượt qua phiền não!
3. Tâm nguyện nhất quyết vượt ra ngoài tam giới!
Điều tâm:
Bước một:
Để tâm vật lý tự nhiên thanh tịnh, rỗng lặng, hằng tri. Cụ nhớ, cứ để tâm tự nhiên thanh tịnh, cứ để tâm tự nhiên rỗng lặng và tự nhiên hằng tri, không ép hay dụng công bất cứ thứ gì. Cụ cố gắng như vậy, khi nào tâm cụ nhìn hình ảnh gì, hay nghe bất cứ tiếng động gì mà tâm cụ và cảnh, 2 thứ này không dính nhau là cụ đã thành công bước một, gọi là “Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát”; nhưng mới giải thoát ngoài tận cùng của tánh Thấy hay tánh Nghe mà thôi. Khi tâm và cảnh không dính nhau, cụ đã tạo được một khoảng cách không cho “làn sóng keo” từ tâm vật lý của cụ không đến với trần cảnh.
Bước hai: Tâm không dính với trần cảnh, tức giữa tâm và cảnh có một khoảng trống, bắt đầu những hình ảnh hay tiếng trong Tàng thức mà cụ đã huân vào trong này từ vô lượng kiếp đến nay được tuôn đổ ra.
Vì sao những thứ ấy tuôn đổ ra?
Vì không có “bức tường ngăn cách ngoài cùng” nên nó tự tuôn để ra. Bắt đầu cụ nghe rất nhiều tiếng hay hình ảnh mà từ ngàn xưa đến nay cụ huân vào trong.
Tàng thức, như: Tiếng ai nói, tiếng ai giảng đạo rất hay, hay tiếng của Chư Phật hoặc của Chư Bồ tát, v.v… Cụ nhớ đừng duyên theo bất cứ thứ gì là đúng, khi nào nó tuôn đổ ra hết thì đã thành công bước thứ hai là “Độ vô số chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ” là cửa thứ hai này vậy.
Bước ba: Đây là bước vượt qua bờ “Ngăn cách giữa sanh tử để vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh, tức vô sanh”. Cửa này Đức Phật gọi là cửa “Hải Triều Dương”. Qua cửa này mới ra ngoài Tam giới để bước vào cõi Thanh tịnh của Mười Phương Chư Phật ở.
Nơi Mười Phương Chư Phật ở gồm có:
Ánh sáng Điện Từ Quang rung động là sự sống.
Pháp thân Thanh tịnh, trong Pháp thân có cái Ý; trong cái Ý này hằng Thấy, hằng Nghe, hằng Pháp và hằng Biết.
– Luân chuyển của Pháp thân này như sau:
Đầu tiên gọi là tánh Phật.
B- Đầu tiên tánh Phật bị vào trong loài Người, sau đó luân chuyển đi trong Tam giới, vào loài nào phải sống với tánh cửa loài đó.
C- Ở loài Người, tánh Phật được gọi như sau:
1. Tàng thức, tức cái kho chứa những tốt xấu mà tánh người suy nghĩ hành động và đem vào.
2. Cái kho này, nếu loại bỏ tất cả những thứ xấu, còn lại ròng là tốt không, thì được gọi là Như Lai Tàng.
3. Cái kho này nếu chứa hoàn toàn là công đức, khi nó vào trong Bể tánh Thanh tịnh, nhờ ánh sáng Điện Từ Quang chiếu vào, nó biến thể là Pháp thân Thanh tịnh.
4. Pháp thân Thanh tịnh này tánh Phật vào trong đó nên được gọi là một vị Phật được sanh ra.
Người tu Thiền tông phải hiểu như nói trên thì mới hiểu lời Đức Phật dạy cái nào đứng cái nào sai.
Trong Tam giới:
Trong vũ trụ này có Hằng hà sa số Tam giới, chỉ nói riêng loài Người tạo nghiệp như sau:
– Mỗi khởi niệm, mỗi suy nghĩ đều là tạo nghiệp.
– Hành động nhỏ hay lớn đều là tạo nghiệp.
Vì vậy, người có học, không học, học cao học ít gì nếu vướng vào vật chất thì phải luân hồi theo vật chất.
Đức Lục Tổ dạy người tu theo đạo Phật:
– Muốn giúp người giác ngộ giải thoát, ít nhất mình phải giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông”, còn mình chưa mà đứng ra dịch kinh dịch sách bán để kiếm tiền, người này bị quả báo rất nặng nề lắm!
Đức Lục Tổ dạy ấn tống kinh có 3 phần:
Phần 1: Ấn tống những quyển kinh, quyển sách, giúp cho người đọc được giác ngộ và giải thoát là có công đức vô lượng.
Phần 2: Ấn tống những quyển kinh, quyển sách giúp người khác biết làm lành lánh dữ là có phước đức.
Phần 3: Ấn tống những quyển kinh, quyển sách mà đưa người đọc vào mê tín dị đoan, là tự đem ác đức vào thân.
Cụ Trần Quốc Luân lại hỏi thêm:
– Phần ấn tống kinh thì chúng tôi đã hiểu, còn người không biết pháp môn tu giải thoát mà đứng ra dạy pháp môn này có bị gì?
Trưởng ban trả lời:
– Người không biết pháp môn tu giải thoát, vì tiền vì danh tiếng mà đứng ra dạy pháp môn này thì quả báo rất nặng nề!
Phần này Đức Phật có dạy như sau:
– Người dân thường mà tự xưng mình là Quốc Vương vậy.
Cụ Trần Quốc Luân lại tiếp tục hỏi thêm 3 câu:
Câu 1: Sao pháp môn Thiền tông này từ trước đến nay không ai giải rõ?
Câu 2: Trưởng ban bảo, pháp môn này là tuyệt mật Thiền tông, nguyên do gì Trưởng ban nhận được?
Câu 3: Nghe Trưởng ban nói, người tu theo pháp môn Tịnh Độ cũng được giải thoát, vậy xin Trưởng ban giải thích rõ, cám ơn?
Trưởng ban trả lời:
Câu 1: Trong Huyền ký của Đức Phật có ghi, vào đời Mạt pháp, pháp môn Thiền tông học này mới bùng lên tại “Đất Rồng”, nên mới có nhiều người biết. Vì vậy, những người trước không biết được.
Câu 2: Chúng tôi cũng là duyên may thôi, chớ không có nguyên do gì cả.
Đức Phật có dạy trong Huyền ký:
– Vào đời Mạt pháp, vị nào nhận được Mạch nguồn Thiền tông mà âm thầm dạy pháp môn này, khi được trên 100 người đạt được “Bí mật Thiền tông”, còn người giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông” phải trên 1.000 người, thì pháp môn này mới được công khai nói ra, vị nào thực hiện đúng thì pháp môn Thiền tông này mới trường tồn được.
Câu 3: Trong kinh A Di Đà có câu:
– Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh.
Đức Phật dạy, khi mình thấy hoa sen vừa nở, biết mình có cái hằng Thấy, cái hằng Thấy này là cái tánh Thấy của Ý trong tánh Phật thấy đó. Ai thấy và biết được như vậy là ngộ đạo rồi. Sự ngộ đạo theo Thiền tông là như sau:
– Như người mù đôi mắt, không thấy được cảnh và vật bên ngoài. Người mù mắt đó, được vị thầy thuốc đại tài, cho uống thuốc và nhỏ thuốc vào mắt, mắt hết bệnh, tự nhiên thấy được tất cả cảnh và vật trước mắt rõ ràng mới gọi là ngộ đạo.
– Người không mù mắt, nhưng ham muốn đồ vật, nên chui vô hang đá để tìm, bất ngờ hang đá bị sập, miệng hang bị bít kín, thành ra trong hang tối mù. Trong hang tối mù đó, có vị nào đó có đem theo đèn pin hay hộp quẹt. Vị này đốt đèn lên, tức khắc cái tối liền biến mất, nhờ ánh sáng của cây đèn thấy được rõ như vậy, mới gọi là ngộ đạo.
Đức Phật dạy:
– Ngộ đạo là phải thấy rõ ràng chớ không phải tưởng tượng, nên thuở xa xưa, Đức Phật dạy pháp môn Thiền Thanh tịnh này nơi núi Linh Sơn, Ngài Xá Lợi Phất được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, Ngài có trình với Đức Phật như sau:
– Con thực hành đúng theo lời Đức Thế Tôn dạy, tâm vật lý của con thanh tịnh, rỗng lặng và hằng tri, tự nhiên con được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”. Cái thấy bằng tánh Người của con tự nhiên mất, con liền Thấy, Nghe, Biết, đầy đủ tất cả những gì mà con hằng có.
Tổ sư Thiền tông đời thứ 28 là Ngài Bồ Đề Đạt Ma, có dạy:
– Ai trực nhận được Tánh mình, biết được Ý mình, thì mới biết Phật tánh của chính mình được.
Cụ Luân nghe lời giải thích của Trưởng ban, bất giác cụ khóc ra tiếng, rồi cúi đầu lạy Phật rất lâu, ngẩng đầu lên thưa với Trưởng ban:
– Tôi nay đã lớn tuổi, đi học đạo rất nhiều nơi, không nơi nào giải thích cho tôi vừa ý cả. Hôm nay, tôi cùng anh em đến đây, hỏi những gì mà chúng tôi thắc mắc. Trưởng ban đã chỉ cho chúng tôi những lời cao sâu của Đức Phật dạy, có thể nói vượt hơn cả lời vàng ý ngọc nơi thế giới này. Trước kia, tôi như người sống trong bóng tối. Hôm nay, tôi như được bước ra ánh sáng ban ngày, nên thấu rõ tất cả những gì mà trong các kinh điển cao thâm của Đức Phật dạy. Chúng tôi rất vui mừng, không thể dùng lời gì để diễn tả được, xin Trưởng ban nhận nơi đây lòng chân thật biết ơn của tôi và cho chúng tôi có yêu cầu như sau:
– Thỉnh thoảng, xin Trưởng ban cho phép anh em chúng tôi đến thăm và hỏi Trưởng ban những lời thắc mắc được không?
Trưởng ban Quản trị chùa trả lời cụ Luân:
– Thưa cụ, pháp môn Thiền tông học này là pháp môn khi vị nào nói ra, thì vị đó không được phép lưu lại dâu vết. Do vậy, tính đến nay chúng tôi đã trả lời trên 200 câu hỏi ẩn ý hay không ẩn ý của Đức Phật dạy, trong đó có những câu hỏi tuyệt bí mật mà Như Lai dạy nơi thế giới này. Sau này, cụ hay huynh đệ nào có thắc mắc, xin tìm đọc nơi sách của tác giả Nguyễn Nhân đã phổ biến ra.
Cụ Luân lại ngắt lời Trưởng ban và hỏi:
– Sao hiện nay có rất nhiều nơi tập trung đông người lại để dạy đạo và vấn đạo, sao Trưởng ban không làm theo các vị ấy?
Trưởng ban trả lời:
– Các vị ấy tập trung đông người là dạy tu trong vật lý, để kiếm tiền, tập trung càng đông thì càng có lợi lớn, nên họ tập trung bao nhiêu người cũng được. Còn chúng tôi có nhiệm vụ phổ biến pháp môn Thiền tông học của Đức Phật dạy, khi có vài người nhận được “Yếu lý Phật ngôn” thì chúng tôi không nói nữa. Phần sau này là nhiệm vụ của tác giả Nguyễn Nhân, nếu tác giả tuân theo lời của Đức Phật dạy, thì pháp môn này được lưu truyền lâu dài, còn tác giả không tuân lời của Đức Phật dạy, việc này tự tác giả biết.
Trưởng ban lại nói tiếp với cụ Luân:
– Tôi đã biết ý thâm sâu của Đức Phật dạy, nếu không chỉ lại cho những người thích tìm hiểu, thì tôi có lỗi lớn với đạo Phật. Vì tôi đã hứa trước chánh điện Thiền tông này, khi tôi đã giải thích hết những lời của Đức Phật dạy ghi trong Huyền ký của Ngài, là tôi đã làm tròn nhiệm vụ rồi.
Hôm nay, trước mặt cụ và rất đông người, tôi xin kết thúc những lời giải thích về Thiền Tông học, cũng có nghĩa là tôi không nói thêm một lời nào nữa.
Trưởng ban ngó sang tác giả Nguyễn Nhân và nói:
– Theo lời hứa của tôi với tác giả, khi có vài người biết đến chỗ chí đạo mà Đức Phật dạy, và biết đường vào “Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, thì tôi không nói nữa. Tính đến nay, số người nhận được chí đạo rất nhiều. Vì vậy, tôi đã làm tròn nguyện ước của mình, sau này nếu cố ai thắc mắc xin tác giả Nguyễn Nhân giúp tôi, để tôi tự lo cho bản thân mình nữa.
Vì sao tôi nhờ tác giả như vậy?
Theo sự nhận biết của tôi, tác giả Nguyễn Nhân đã nhận và hiểu rõ tất cả những gì mà tôi biết và nói ra, tôi cũng có thể nói, tác giả Nguyễn Nhân, đáng được gọi là một “Thiện tri thức trong Nhà Phật”, tác giả Nguyễn Nhân có giúp tôi được không, Trưởng ban hỏi?
Tác giả Nguyễn Nhân thưa:
– Kính thưa Trưởng ban, Thầy tin tưởng tôi, tôi xin nhận lời và xin cố gắng hết sức mình, nếu có gì tôi không hiểu, xin Trưởng ban giúp đỡ tôi, còn danh hiệu Thiện tri thức thì tôi không dám nhận.
Vì sao vậy?
Vì pháp môn Thiền tông học này là pháp môn phá bỏ tất cả những danh từ ảo nơi thế giới này, tôi chỉ xin giúp Trưởng ban một cách bình thường thôi, không dám nhận bất cứ thứ gì mà có danh và lợi.
Trưởng ban quản trị chùa gật đầu.
Tất cả những vị đi trong đoàn, ai cũng nghe lòng mình buồn buồn, nói lời cám ơn sau cùng với vị Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu và từ giã ra về, còn riêng cụ Luân khi ra về, còn quay lại nói với Trưởng ban thêm mấy lời từ giã, giọng nói của cụ nghẹn ngào không ra tiếng, những người đi chung ai ai cũng muốn khóc; khóc vì mừng cho một cụ già đã 90 tuổi rồi, hôm nay mới nhận được lời chân thật của Đức Phật dạy nơi thế giới vật lý này.

 
TRÍCH: NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 2 (QUYỂN 4)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN