Ông Triệu Quốc Tri hỏi

18- Vị thứ mười bảy: Ông Triệu Quốc Tri, sanh năm 1941 (69 tuổi), tại quận Thủ Đức. Cư ngụ tại đây, hỏi:
– Xin Trưởng ban cho tôi hỏi: Sư phụ tôi dạy tu thiền “Dẹp vọng tưởng”, tôi tu đến nay được 4 năm rồi. Vậy, xin hỏi thiền Dẹp vọng tưởng và Thiền tông, thiền nào cao hơn?
 
Trưởng ban trả lời:
– Khi nãy, tôi nghe thầy lý luận về thiền Dẹp vọng tưởng rất hay, có lẽ thiền Dẹp vọng tưởng là hay nhất, xin thầy cho phép tôi không góp ý kiến vào tu thiền này.
Ông Triệu Quốc Tri nói tiếp:
– Nghe anh chị em nói, thầy lý giải về Thiền học rất căn bản. Vì vậy, tôi mới theo anh em đến đây để hỏi cho rõ thông, chứ những lời tôi cùng anh em nói với nhau chỉ là bàn luận, chứ chưa chắc lời nói tôi là đúng.
Trưởng ban nghe nói vậy, nên hỏi ông Triệu Quốc Tri:
– Sư phụ ông dạy tu thiền như vậy, sư phụ ông gọi là pháp môn gì?
Ông Triệu Quốc Tri trả lời:
– Thầy tôi bảo là thiền Dẹp vọng tưởng.
Trưởng ban nói:
– Dẹp vọng tưởng là cách tu, chứ không phải là pháp môn.
Ông Triệu Quốc Tri hỏi Trưởng ban:
– Như vậy, tu dẹp vọng tưởng là pháp môn gì?
Trưởng ban trả lời:
-Tôi đưa ví dụ sau đây, ông sẽ biết lối tu dẹp vọng tưởng là pháp môn gì? Ví như trước sân nhà ông có một số cây bị rụng lá, ông ngồi chăm chú, nếu có lá cây khô rụng xuống, ông liền lấy chổi quét, quét như vậy chừng nào hết lá cây trong sân, coi như việc quét lá cây của ông đã xong. Trong sân của ông không còn lá cây, giống như trong tâm của ông không còn vọng tưởng vậy.
Ông Triệu Quốc Tri thốt lên:
-Ồ! Như vậy, pháp môn này gọi là “Diệt tận định”!
Trưởng ban nói:
– Phải, xin nói cho ông rõ: Ở Nhật Bản, các vị tu thiền họ rất sợ lối tu thiền này. Bởi vậy, các hội thiền ở nước Nhật, luôn lúc nào cũng có vị thầy canh chừng lối tu này, nếu vị nào tu bị lạc vào thiền Diệt tận định, liền bị vị giám thiền đánh rất mạnh, để vị tu ấy tỉnh mà tu không sai.
Ông Triệu Quốc Tri hỏi tiếp:
– Sao tu thiền Diệt tận định mà bị đánh?
Trưởng ban trả lời:
– Vì tu thiền Diệt tận định là thiền dụng công tu để đạt đến chỗ không còn cảm xúc. Cho nên, mười người tu theo thiền này, hết 90% người bị rơi vào không cảm giác, không làm lợi ích cho ai, nếu tu lâu ngày, người tu sẽ bị nhập vào “ngủ quên” có thể kéo dài rất lâu! Do đó, các Tổ Sư thiền khuyên các môn đồ của các Ngài không được tu theo thiền này.
Các ông tu theo đạo Phật lấy căn bản sau đây làm chuẩn, biết tu thiền gì còn sanh, biết tu thiền gì để được vô sanh:
– Còn niệm là còn sanh.
– Còn sanh là còn có chỗ.
– Còn dụng công là còn được.
– Có được là có chứng có đắc.
– Có chứng đắc là có hình tướng.
– Có hình tướng là không thật.
Tu mà đạt được cái không thật, khác nào chúng ta nấu cát mà muốn thành cơm vậy!
Bởi vậy, Đức Phật dạy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm:
– Vì ta thấy ta không chứng, không đắc, nên Đức Phật cổ Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta sau này sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, nếu ta thấy ta có chứng có đắc thì Đức Phật cổ Nhiên Đăng không thọ ký cho ta”.
Cũng tại kinh Kim Cang Đức Phật Thích Ca dạy:
– Nếu ai lấy sắc mà cầu ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành theo đạo tà!
Bởi vậy, tu theo đạo Phật mà không hiểu những căn bản trên, thì muôn đời ngàn kiếp không khi nào ra khỏi lục đạo luân hồi được!
Xin nói cho thật rõ:
– Năm uẩn con người không thật, lấy cái không thật để tạo thành cái thật thì không thể được. Nếu cố gắng lấy cái không thật để làm ra cái thật, không khác nào nấu cát mà muốn thành cơm vậy! (Đây là điệp khúc thứ hai).
Ông Triệu Quốc Tri lại hỏi Trưởng ban:
-Vậy Trưởng ban vui lòng chỉ cho tôi cách tu theo Thiền tông để nhận ra Phật tánh của chính mình.
Trưởng ban hưởng dẫn và giải thích:
– Như chúng tôi nói ở trên, người tu thiền theo Đạo Phật phải nắm tám cái cản bản của chính minh Năm thứ như: Mắt, tai, mũi, miệng, thân, là có hình sắc nên dễ biết, còn Ý thức, Mạt Na thức và Tàng thức là những thứ mà chúng ta chỉ cảm nhận mới biết được. Vì vậy, ai tu theo Thiền tông phải thấu triệt 3 phần này mới mong tu đúng được. Tu đúng thì mới trở về nguồn cội của chính mình, còn không biết, dù có tu kiểu gì, hành kiểu gì, vạn năm sau cũng vẫn còn bị đi trong sáu nẻo luân hồi!
Ông muốn tu theo Thiền tông, hãy suy xét cho thật kỹ và phải biết công dụng và chuyển thể 3 thứ trên, mới mong đi đúng đường được. Người không tu hoặc người có tu mà không biết công năng của nó thì đối với Thiền tông này coi như vô phần! Sau đây là vài cách dụng công tu thiền; nhưng không phải là Thiền tông:
Thứ nhất: Ý thức đối với người không tu, người không tu, các cảnh vật bên ngoài phải nhờ năm căn bên ngoài để thấy, nghe, mùi, vị, nóng, lạnh, v.v… Nhờ Ý thức của phàm phu mà biết. Biết của Ý thức này là cái biết của vô minh, là cái biết của sanh tử luân hồi, cũng gọi là cái biết của vọng Thức…
Thứ hai: Ý thức đối với người có tu theo pháp môn Quán Tưởng. Hầu hết phái Nam truyền sử dụng pháp quán này. Người tu Quán, Tưởng, khi thấy các cảnh vật bên ngoài, họ dùng Ý thức của họ biết và phân biệt, họ quán và tưởng cho đến khi nào thành công theo Ý tưởng của họ mới thôi. Ví dụ: Họ để ly nước trước mặt, họ quán cho đến khi nào ly nước trong phòng của họ ngồi, loang ra đầy khắp phòng, thì pháp quán này được thành công trong pháp quán “Một ra vô lượng”.
Thứ ba: Ý thức đối với người tu theo pháp môn “Quán diệt tận” này. Họ dùng một vật gì để trước mặt, họ cũng quán, từ vật lớn, lần lần cho đến nhỏ, khi nào vệt đó không còn, Ý thức họ thấy không còn vật để trước mặt, cho là định trong cái không còn vật, mà thông thường các Ngài bảo là pháp môn “Diệt tận định”.
Thứ tư: Ý thức đối với người tu theo pháp môn Dẹp vọng tưởng. Phương pháp này họ tập trung cho Ý biết và phân biệt của họ, không cho bất cứ ý niệm nào khởi lên, họ luôn kềm chế cho Ý đừng khởi vọng, pháp môn này gọi là Dẹp vọng tưởng.
Ngoài ra còn rất nhiều pháp môn khác, chúng tôi chỉ nêu vài pháp môn căn bản như nói ở trên.
Còn pháp môn tu theo Thiền tông:
– Họ không dụng công, chỉ tìm hiểu tận tường về tám căn trên. Họ thấy căn nào cũng là hư vọng mà cũng là chân thật cả!
Vì sao “ba phải” như vậy?
Vì chỗ “ba phải” này mà không ai dám “bước chân vào”. Do đó, ai tu theo đạo Phật phải tìm cách tu nào có chứng, có đắc, họ mới chịu. Bởi vậy, họ phải tu làm sao được đến “cõi” nào đó để hưởng những gì mà người “lanh lợi” chỉ dạy.
Thầy muốn tu theo Thiền tông để nhận ra Phật tánh của chính mình. Tôi xin nêu vài dẫn chứng căn bản mà Đức Phật đã dạy, nếu thầy chấp nhận nghe và tìm hiểu cho thật kỹ, thật rõ, mới có cơ may “bước vào” Phật tánh của chính mình được, bằng không sẽ vô phần, thầy cũng như bao nhiêu người khác vậy!
Dẫn chứng thứ nhất:
-Đức Phật dạy Phật tánh ở trong ta, vậy Phật tánh ở trong ta là cái gì?
Trong vỏ bọc của tánh Người mà trong Duy Thức Học gọi là Tàng thức của chúng ta, chứa nhiều thứ như: Tốt, Xấu, hơn, thua, phải, quấy, v.v…
Vì đó là “rác hạ cấp”.
-Cũng trong Tàng thức chứa đủ thứ như:
Thần thông, phép mầu, những chuyện kỳ đặc, v.v…
Vì là “rác trung cấp”.
– Cũng trong Tàng thức, ta mơ mộng chứa đủ thứ như: Cõi Trời này, Trời nọ, ông Thần này, bà Thánh kia, v.v…
Vì đó là “rác cao cấp”.
Đã là rác, dù cao cấp hay trung cấp cũng là rác cả. Nếu chúng ta nhận “rác” là thứ thiệt, tất nhiên chúng ta không biết được trong Tàng thức chúng ta có thứ quý nhất là Phật tánh. Vì Phật tánh nó có “công dụng” tự nhiên như sau: Trùm khắp. (Tự trùm khắp)
Diệu dụng. (Tự diệu dụng)
Trong sáng. (Tự sáng suốt)
Thanh tịnh. (Tự thanh tịnh)
Rỗng lặng. (Tự rỗng lặng)
Biết đủ thứ. (Tự nó biết muôn pháp).
Đặc biệt: “Nó” biết tất cả, nhưng không gì biết được nó. V.v…
Người tu theo Thiền tông, là để tìm lại Phật tánh của chính mình, chứ không tìm bất cứ thứ gì. Vì Phật tánh cũng ở chung cùng với các thứ “rác”. Người tu không hiểu không ai chỉ, nên không thể tìm ra Phật tánh được.
Tại sao lại có việc này?
Chẳng lẽ quá nhiều người tu theo đạo Phật mà không ai chỉ chỗ chân thật này ư?
Trưởng ban nói tiếp:
Có rất nhiều vị chỉ, nhưng vì những vị tu họ không chịu nghe. Kể cả Đức Phật dạy, họ cũng không vâng lời, mà cố ý làm sai lời Đức Phật dạy. Điển hình như Đức Phật bảo:
-Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Đức Phật bảo:
-Nhìn thấy năm thứ: Đất, nước, gió, lửa và tánh Người là không thật, tức thì các khổ nạn đều qua khỏi hết.
Đức Phật dạy như vậy mà người tu không chịu làm. Trái lại, xem năm uẩn là thật, nên tô điểm thêm, để bị sai, mình thấy sai mà còn dạy người khác sai theo mình nữa, thật là khổ mà còn chồng thêm cái khổ!
Quí Ngài dư biết rằng:
– Ngũ uẩn là không thật. Đã là không thật, mà sử dụng 5 thứ này dụng công tu để cho lòi ra Phật tánh thì làm sao lòi ra được?
Quý Ngài đã biết như vậy, nhưng cũng phải dạy cho người khác làm theo mình.
Vì sao vậy?
Vì nơi thế giới vật lý này: Tiền, tài, danh, lợi là trên hết, còn giác ngộ và giải thoát, chỉ là thứ không cần với quí Ngài.
Vì vậy, hồi Đức Phật còn sống, Ngài dạy chỗ này, có trên 5.000 người bỏ đi, thì thời này cũng không khác gì thời Đức Phật còn tại thế cả.
Ông Triệu Quôc Tri nghe Trưởng ban giải thích quá rành mạch nên hỏi thêm:
– Như vậy, trong đạo Phật hiện nay hầu hết những người đến chùa đều cầu xin lạy lục có đúng với lời của Đức Phật dạy không?
Trưởng ban trả lời:
– Phần này chúng tôi xin lấy cốt truyện của ông Ưu bà tắc Thương Chí Phàm hỏi Đức Phật như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, hiện ở cách Đức Thế Tôn không xa, có 2 nhóm người thù hằn chém giết nhau, mỗi bên có mấy trăm người, họ đánh với nhau gần một tháng nay, tổn thất mỗi bên gần phân nửa, sao Đức Thế Tôn không đến đó can ngăn họ để họ không đánh nhau?
Đức Phật dạy ông Ưu bà tắc Thương Chí Phàm như sau:
– Này ông Thương Chí Phàm, mục đích của Như Lai dạy nơi thế giới này là cho những ai muốn giác ngộ để giải thoát, chứ Như Lai không dám phá luật tự nhiên nhân quả nơi vật lý thế giới này. Như Lai nói cho các ông biết, hai nhóm người này họ đã gieo thù hận với nhau từ nhiều đời nhiều kiếp với nhau, nên hôm nay họ mới thanh toán nhau, chẳng những ở đời này mà còn nhiều đời sau nữa. Như Lai đưa dẫn chứng như sau các ông sẽ thấy rõ: Như có đám trẻ đánh lộn với nhau, các ông là người lớn đến can ngăn, nó có chịu không, hay khi các ông đi bọn trẻ ấy lại đánh nhau nữa.
Ông Thương Chí Phàm lại thưa hỏi Đức Phật: “Như vậy phải làm sao cho bọn trẻ không đánh với nhau?”
Đức Phật dạy, duy nhất cho bọn trẻ hay những người đang đánh với nhau họ hiểu là họ đang bị 16 thứ của vật lý và 8 muôn 4 ngàn những thứ ảo giác nơi thế giới vật lý này, nếu họ biết tự nhiên họ không còn đánh với nhau nữa.
Ông Thương Chí Phàm lại hỏi Đức Phật:
– Như vậy việc cầu xin của gia đình chúng con từ trước đến nay đều không đúng sự thật sao?
Đức Phật dạy ông Thương Chí Phàm:
– Đã là người và muôn vật sống trong Dục giới phải tuân theo quy luật nhân quả của vật lý, thì không ai có thể can dự vào được, mình lo cho mình còn chưa xong thì làm sao lo cho người khác được, ai đó nói mình làm được điều này điều kia là nói không thật.
Ông Thương Chí Phàm lại thưa hỏi Đức Phật:
– Như vậy Đức Thế Tôn thành lập ra giáo đoàn mục đích chính là để làm gì?
Đức Phật dạy ông Thương Chí Phàm:
– Vì Như Lai đã tìm được pháp môn tu giải thoát, muốn cho pháp môn này trường tồn ở thế giới này, nên Như Lai thành lập ra giáo đoàn để tìm người kế thừa và truyền lại cho hậu thế. Như Lai dạy rõ cho ông biết như sau: Như Lai dạy nơi thế giới này có 6 pháp môn tu, duy nhất chỉ có pháp môn Thanh tịnh thiền mới giúp cho ai muốn giải thoát, mới giải thoát được, 5 pháp môn còn nằm trong tự nhiên quy luật vật lý không thể nào giải thoát được.
Ông Triệu Quốc Tri nghe Trưởng ban giải thích một loạt như vậy, ông rơi lệ nhiều và trình với Trưởng ban:
– Vì nguyên lý này, nên lịch sử loài người mấy ngàn năm qua chiến tranh không bao giờ chấm dứt! Trước đây, tôi như người mù, nay đến nghe Trưởng ban giảng giải tôi như được sáng mắt, tôi đã hiểu những điều mà trước kia tôi không hiểu, vì quá mừng và cảm động, tôi xin cám ơn Trưởng ban. Ông nói và lau nước mắt.

 
TRÍCH: NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 2 (QUYỂN 4)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN