▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI BA

VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI BA
TỔ HUỆ NĂNG


 
33. Tổ Huệ Năng, sanh năm 638 dương lịch, tịch 713, thọ 75 tuổi. Người ở nước Đường, cha tên Lư Hành Thao, mẹ tên Lý Yến Thị. Cha Ngài làm quan ở tỉnh Nam Hải, trông coi quốc khố. Bị người tham lam hãm hại, nên triều đình cách chức và đày đi Lãnh Nam gần biên giới Việt Nam. Vì không chịu nổi cảnh rừng thiêng nước độc nên cha Ngài mất ở tuổi 49. Do vậy, Ngài thất học, vào rừng đốn củi đem ra chợ bán để nuôi thân và nuôi mẹ.

Một hôm, Ngài gánh củi ra chợ bán, có người nhà phố kế bên tụng kinh Kim Cang, Ngài nghe được câu:

- Bất ưng trụ sắc sanh tâm.

- Bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp, sanh tâm.

- Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

Tự nhiên thân, tâm Ngài như “chết mất”. Một hồi lâu Ngài tỉnh lại, sao thấy lạ quá, tự nhiên mình nghe câu kinh như vậy mà mình bị “chết mất”, như vậy bài kinh này là như thế nào mà “đưa” mình vào chỗ mênh mông như vậy. Ngài liền qua nhà kế bên hỏi:

- Kinh này là kinh gì mà có diệu lực quá đặc biệt, tôi vừa nghe ông tụng mấy câu mà tôi “bị chết mất người” như bị rơi vào khoảng không mênh mông vô tận vậy.

Người tụng kinh đã từng nghe Đức Ngũ Tổ dạy:

- Ai đọc tụng kinh này mà cảm nhận “mất mình” hay bị rơi vào khoảng không mênh mông vô tận, là người đó “Bị sức hút của Thanh tịnh Thiền” và về được quê xưa của mình, người này sẽ làm Thầy của người và làm Thầy của cả Trời nữa.

Người tụng kinh biết Ngài đã đạt được “Bí mật Thiền tông” nên có nói:

- Cậu là người hiếm có trên đời, kinh này tôi đọc tụng trên 10 năm mà không cảm nhận được gì, còn cậu mới nghe tôi tụng có một lần có mấy câu mà đã cảm nhận được sự kỳ diệu của pháp môn Thiền tông học này. Tôi có nguyện hứa, người nào Giác ngộ được “Bí mật kinh Kim Cang” này, nếu người đó có cần tôi giúp đỡ trong việc tu hành tôi sẽ tận tình giúp đỡ.

Ngài nói với người tụng kinh:

- Tôi tên là Lư Huệ Năng, là tiều phu đốn củi bán nuôi mẹ và nuôi thân, không biết nơi phát hành kinh này là ở đâu xin ông chỉ cho tôi.

Người tụng kinh trả lời:

- Kinh này ở chùa Thiền tông Đông Thiền huyện Huỳnh Mai, cách 30 ngày đường bộ.

Ngài nghe vậy cũng quyết chí đi và than với người tụng kinh:

- Tôi cũng muốn đi đến đó để tu hành, nhưng vì còn một bà mẹ già gần 70 tuổi không ai phụng dưỡng.

Người tụng kinh nói:

- Tôi sẽ tặng cho cậu 10 lượng bạc để nhờ người thân nuôi mẹ, và cậu nói với người thân, trong lúc cậu không ở gần mẹ, mẹ cậu có cần gì nói người thân đến đây tôi sẽ giúp đỡ tận tình cho.

Câu nói và lời hứa của người tụng kinh làm Ngài rơi lệ, nhận bạc của người tụng kinh rồi chạy nhanh về báo với mẹ. Mẹ Ngài thấy con mình hiểu đạo như vậy nên nói với Ngài:

- Thân mẹ tuy nay đã già, nhưng Phật pháp khó tìm, con nay không tìm mà đã gặp, đây thật là phúc lớn cho nhà ta, vậy để mẹ chuẩn bị thức ăn khô cho con, con hay nhanh chân đến chùa Đông Thiền ra mắt Ngũ Tổ.

Ngài vâng lời mẹ lên đường suốt 30 ngày đến được chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai gặp được Ngũ Tổ, Tổ hỏi Ngài:

- Cậu từ đâu đến và cầu việc gì?

Ngài thưa: “Con tên là Lư Huệ Năng, từ đất Lãnh Nam đến đây, xin cầu làm Phật!”

Tổ thấy gã này thân hình xấu xí, nhỏ bé, tiều tụy mà có lời khí khái như vậy, nên hỏi:

- Cậu là người sống ở biên địa, người bần cùng hèn hạ mới sống ở đó, làm sao mà cầu làm Phật được?

Ngài trình thưa với Tổ:

- Tuy con là người sống ở biên địa, Tổ có Phật tánh con cũng có Phật tánh vậy.

Một câu nói khẳng định của Ngài làm Tổ ngạc nhiên, Tổ hỏi tiếp:

- Làm sao cậu biết mình có Phật tánh, và Phật tánh của cậu ra làm sao?

Ngài không nói Phật tánh của mình ra sao mà trình với Tổ bằng 20 câu kệ như sau:
 
Kim Cang Phật dạy rõ ràng
Không dính không mắc, rõ ràng Tánh xưa
Kim Cang Phật dạy sớm trưa
Lúc nào cũng Biết là xưa của mình.
 
Kim Cang Phật dạy lặng thinh
Cứ Thấy thanh tịnh là mình hết luân
Con nghe người tụng con '' Dừng ''
Rơi vào Bể tánh, không mừng không vui.
 
Trình Thầy Phật tánh của '' Tui ''
Không thể tả được, không vui không buồn
Con nghe người tụng con luôn
Sống trong thanh tịnh , con luôn giữ lòng.
 
Qua đèo vượt suối lội sông
Hôm nay đến được, lòng con rất mừng
Thầy hỏi, lệ con lại rưng
Trước kia Phật tánh, con từng nhận ra.
 
Hôm nay Thầy bảo nói ra
Phật tánh thanh tịnh, không ra chữ lời
Con trình với Thầy vậy thôi
Xin Thầy thông cảm, hết rồi biết chi.
 
Ngũ Tổ nghe Ngài trình 20 câu kệ, biết Ngài đã đạt được “Bí mật Thiền tông”. Cuộc hỏi đáp của Ngài với Tổ có quá nhiều người đứng nghe, Tổ sợ người đứng nghe biết Ngài đạt được “Bí mật Thiền tông” nên làm khó dễ Ngài, nên Tổ báo:

- Cậu là “người dốt” mà hay nói chữ, vậy theo Thượng tọa này xuống nhà trù làm việc đi.

Tổ vừa nói với Ngài vừa nháy mắt ra hiệu, Ngài hiểu nên xuống nhà trù làm việc. Tổ cũng thường xuyên xuống nhà trù gặp Ngài và nói những lời bâng quơ, những người đứng bên nghe không ai hiểu gì. Một hôm, Tổ thấy việc truyền “Bí mật Thiền tông” đã đến, nên có thông báo cho đại chúng biết:

- Nay ta đã già, muốn truyền Tổ vị Thiền tông đời thứ 33 lại cho người kế tiếp, vậy mỗi người làm bài kệ trình ta xem, nếu ai đạt được “Bí mật Thiền tông”, ta sẽ truyền Tổ vị Thiền tông đời thứ 33 lại cho.

Ai ai cũng thấy Ngài Thần Tú là người có khả năng nhất, vì Ngài hiện là giáo thọ sư dạy hơn 700 tăng và đại chúng, nên tất cả đề nghị Ngài làm kệ trình cho Tổ. Thượng tọa Thần Tú ở vào thế chẳng đặng đừng nên phải làm kệ trình Tổ. Bóp trán suy nghĩ nát óc làm được bài kệ 4 câu như sau:
Thân thị Bồ Đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
 
Ý Ngài muốn diễn tả người tu theo Thiền tông:

Thân người như cây bồ đề
Tâm người như đài gương sáng
Ngày ngày phải lau chùi
Chớ để dính bụi bặm.

Bốn câu kệ nói trên, Ngài không biết có đạt được ý sâu mầu của pháp môn Thiền tông không, nên Ngài không dám trình cho Tổ xem, đợi nửa đêm cầm đèn ra vách Nam lang của Chùa, Ngài viết 4 câu kệ ấy. Sáng ra nhiều người thấy và ầm lên, Tổ biết bài kệ này là của Thượng tọa Thần Tú làm, nên có dạy:

- Ai nghiêm chỉnh tụng bài kệ này sẽ có phước rất lớn.

Thượng tọa Thần Tú nghe Tổ dạy như vậy rất mừng, và thầm nghĩ mình sẽ nhận được Tổ vị Thiền tông đời thứ Ba Mươi Ba. Chiều cùng ngày, Tổ gọi Ngài Thần Tú vào Thiền tông Thất của Tổ có nói như sau:

- Bài kệ ngoài vách Nam lang có phải của ông làm không?

Thượng tọa Thần Tú thưa với Tổ:

- Bạch, là của con làm, xin Hòa thượng xem coi con có đạt được Thiền tông không, chớ sự thật con không mong cầu Tổ vị.

Tổ dạy Ngài Thần Tú:

- Bài kệ của ông làm chưa nhận ra Phật tánh của mình, người nhận ra được Phật tánh của chính mình rồi, dù người đó có ở giữa chiến trường, Phật tánh ấy cũng không dao động. Vậy, ông về tịnh thất làm bài kệ khác trình ta xem, nếu vào được cửa “Bí mật Thiền tông” ta sẽ truyền Tổ vị lại cho.

Ngài nghe Tổ “phán” một câu, tự nhiên Ngài toát mồ hôi, từ giã Tổ về thất của mình. Bước ra ngoài thất của Tổ mà chân Ngài đi lảo đảo không vững, khi về đến tịnh thất tâm trí như muốn cuồng, suy nghĩ miên man, mình đã nặn óc vét tâm mấy ngày trời tốn không biết bao nhiêu giấy mực chỉ viết ra được có 4 câu kệ, nay Tổ bảo không phải, thật là…khổ!

Mấy ngày sau, có chú tiểu đi ngang chỗ giã gạo của Ngài Huệ Năng đọc bài kệ của Thượng tọa Thần Tú, Ngài Huệ Năng hỏi:

- Thượng nhân tụng kinh gì đó?

Chú tiểu nói với Ngài:

- Ông nhà quê này, bài kệ này là của Thượng tọa Thần Tú viết bên vách Nam Lang để trình Ngũ Tổ, Ngũ Tổ bảo ai tụng kệ này có rất nhiều phước.

Ngài Huệ Năng nói:

- Vậy thượng nhân dẫn tôi lên chỗ bài kệ để lễ cho có phước?

Chú tiểu dẫn Ngài lên chỗ bài kệ, Ngài nói với chú tiểu:

- Tôi không biết chữ, xin thượng nhân đọc cho tôi nghe, xin cám ơn.

Chú tiểu liền đọc lớn tiếng, nghe xong Ngài nói với chú tiểu:

- Tôi cũng có bài kệ nữa, vậy xin Thượng nhân giúp viết dùm tôi để giao duyên cùng bài kệ này.

Đứng sau Ngài là ông quan Biệt giá nói với Ngài:

- Ông mà cũng có kệ nữa sao?

Ngài nói với ông quan Biệt giá:

- Ngài đừng có nhìn người bên ngoài, người thấy thông minh xinh đẹp, chưa chắc có trí cao, còn người coi hư bần cùng hèn hạ mà có trí siêu xuất thì sao?

Ông quan Biệt giá nói:

- Thôi, ông đọc đi, tôi viết cho, nếu ông được đạo hãy độ tôi trước đó nghe.

Ngài Huệ Năng liền cất tiếng đọc:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệt phi đài
Bản lai vô nhất vật
Vật sử nhạ trần ai.

Ông quan Biệt giá và những người có mặt đều kinh ngạc, không ngờ một người bên ngoài có thân hình xấu kém, không biết chữ mà lại có những lời kệ tuyệt hay như vậy. Ai ai cũng náo động lên, Ngũ Tổ biết được, Ngài liền đến trước bài kệ của Huệ Năng và nói:

- Bài kệ này cũng chưa thấy được Phật tánh; và nói mới mọi người, ai có việc gì làm việc nấy.

Tổ liền cởi giày ra cầm lấy giày chà mất bài kệ. Mọi người chứng kiến cho là phải, chắc ông này học kệ của ai đó, chứ một ông nhà quê mà làm gì có kệ.

Hai ngày sau, Tổ xuống chỗ Ngài giã gạo, hỏi Ngài:

- Ông đi học đạo mà nhọc nhằn đến thế ư?

Ngũ Tổ nói tiếp:

- Gạo ông giã đã trắng chưa?

Ngài thưa Tổ:

- Dạ, gạo của con giã trắng đã lâu rồi mà chưa có dần sàng.

Ngũ Tổ không nói gì thêm, Ngài cầm gậy gõ vào tay cối 3 cái rồi chắp tay ra sau lưng đi về Thiền tông thất của Ngài. Ngài Huệ Năng nhận được ý Tổ, nên trống điểm canh ba, Ngài đến Thiền tông thất của Tổ gõ cửa, Tổ liền dẫn Ngài vào trong Thiền tông thất, kéo màn che hết các cửa và dạy Ngài:

- Trong Huyền ký của Như Lai, có nói ông là vị Tổ sư Thiền tông đời thứ Ba Mươi Ba, cũng từ đời ông việc truyền “Bí mật Thiền tông” không được truyền nữa.

Vì sao vậy?

Vì có 4 nguyên do như sau:

1. Ông là người không biết chữ nên không đọc kệ truyền Bí mật Thiền tông được.

2. Ông là người quá đặc biệt, không học bất cứ với ai mà đã vượt qua 3 cửa:

a) “Yếu chỉ Thiền tông”

b) “Bí mật Thiền tông”

c) “Được rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”

Trong suốt Ba Mươi Ba vị Tổ sư Thiền tông, ông là người kỳ đặc nhất, người dẫn dắt chúng sanh Giác ngộ Thiền tông nhiều nhất. Vì có quá nhiều người đạt được “Bí mật Thiền tông”, thì truyền thiền cho ai bây giờ. Do đó, đến đời ông việc truyền Bí mật Thiền tông không được phép truyền nữa, mà phải chuyển hướng truyền thiền khác như:

Một: Người nào hiểu pháp môn Thiền tông là không sử dụng bất cứ thứ gì trong vật lý để tu, người đó được cấp giấy chứng nhận Giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông”.

Hai: Người nào giải mã được tất cả các pháp môn tu của Như Lai, có dụng công hay không dụng công, kể cả các pháp môn tu của các Tôn giáo khác, vị đó phải được cấp giấy chứng nhận đạt được “Bí mật Thiền tông”, được truyền thiền trước Tôn tượng Thiền tông của Như Lai.

Ba: Còn người “Được rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, vị này ở thế giới này không ai được phép chứng nhận cho vị này cả.

Ta dạy ông các căn bản nói trên, sau cùng ta dạy thêm ông 4 câu then chốt trong pháp môn Thiền tông học này như sau:

1. Hữu tình lai hạ chủng.

2. Nhân đất quả liền sanh.

3. Vô tình vô chủng tánh.

4. Vô tánh nên vô sanh.

Ngũ Tổ dạy trắng nghĩa 4 câu này như sau:

1. Người tu muốn Giác ngộ Giải thoát thì cố gắng dạy họ.

2. Nhờ lòng ham muốn cao đó, nên họ dễ dàng nhận ra Phật tánh của chính họ.

3. Người tu không muốn Giải thoát, mục đích chánh tu của họ là để đi kiếm tiền, hoặc đi làm tôi tớ cho kẻ khác, ông không được nói pháp môn Thiền tông này với họ.

4. Người muốn đi tìm kiếm những thứ trong vật lý, trong vật lý làm gì có Phật tánh mà dạy họ.

Bốn việc căn bản ta đã dạy ông, vậy ông hãy quỳ gối xuống ta đọc nhanh bài kệ truyền “Bí mật Thiền tông” mà Như Lai đã truyền cho Ngài Ma Ha Ca Diếp làm Tổ sư Thiền tông đời Thứ nhất, các Tổ cũng lấy bài kệ này truyền cho nhau, Tổ Đạo Tín cũng truyền cho ta bài kệ này, nay ta cũng truyền cho ông.
 
Kệ rằng:

Ngày xưa, sen nở Linh Sơn
Như Lai dạy thiền, quý hơn ngọc vàng
Truyền đi khắp chốn gian nan
Nay ta truyền lại rõ ràng cho ông.

Ông phải giữ lấy trong lòng
Tìm nhiều phương cách thiền đây lưu truyền
Hôm nay họ Lư có duyên
Ta nay truyền thiền chứng nhận cho ông.

Năng kia nhận được không mong
Sống với Phật tánh là xong Luân hồi
Thiền tông đơn giản vậy thôi
Sống với Phật tánh Luân hồi màng chi.

Thiền tông đặc biệt diệu kỳ
Ông đã ngộ được, nhận thì Tổ tông
Tổ tông ông nhận trong lòng
Để truyền người kế là xong phận mình.

Hôm nay, trước Đấng tối linh
Chánh thức truyền thiền Tổ vị cho ông
Ông phải cố gắng hết lòng
Tìm người kế tiếp là xong phận mình.

Thiền tông ông phải lặng thinh
Người có duyên lớn mới trình thiền ra
Vì đây lời dạy Thích Ca
Ai có duyên lớn, nói ra pháp này. 

Hôm nay, thiền thất tại đây
Tổ vị Ba Ba tại đây được truyền
Ông người có đủ phúc duyên
Chính thức truyền thiền Tổ vị cho ông.

Tổ vị, ông để trong lòng
Không nói ai biết là ông được truyền
Đức Phật Huyền ký dạy riêng
Các Tổ chỉ truyền theo dòng Thiền tông.

Truyền đi khắp chốn núi sông
Giúp người ngộ được là xong Luân hồi
Thiền tông đặc biệt vậy thôi
Luân hồi nhiều kiếp là thôi với mình.

Lời dạy Đức Phật tuyệt linh
Chuyển ông Tổ vị một mình biết thôi
Khi nhận Tổ vị được rồi
Phải nhớ những lời Đức Phật dạy ra.

Theo như lời dạy Thầy ta
Hễ ai nhận được Thích Ca dạy thiền
Vị đó là người đủ duyên
Phải được truyền thiền để làm lòng tin.

Hôm nay, thay mặt Tối linh
Chánh thức truyền thiền cấp giấy cho ông
Ông nên giữ lấy trong lòng
Vượt qua bể khổ để về nhà xưa.

Từ nay dù sớm hay trưa
Chỉ cần thanh tịnh, không ưa Niết bàn
Ông nên cố gắng bình an
Rơi vào Bể tánh chính đây quê mình.

Ngày xưa Đức Phật dạy “Dừng”
Vì ông không biết, không theo lời Ngài
Vì vậy đi khắp trần ai!
Rơi vào Bể tánh, hôm nay mới “Dừng”.

Tất cả chúng tôi rất mừng
Vì đã chứng nhận, ông đây ngộ thiền
Ông nay hết đảo hết điên
Chánh thức truyền thiền cấp giấy cho ông.
 
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đọc bài kệ truyền “Bí mật Thiền tông” xong, Ngũ Tổ giao tất cả các tín vật mà Như Lai đã truyền đến Ngài. Cũng đêm đó, Ngũ Tổ đưa Ngài ra bến Cửu Giang để về phương Nam. Trên đường đi Tổ dạy thêm:

- Khi gặp ấp Hoài thì ẩn nơi đó một thời gian, còn khi gặp ấp Hội thì trụ nơi đó, đợi khi nào duyên lành đến ông mới được phép nói pháp môn Thiền tông này ra, nhưng ông phải nhớ như sau:

Ban đầu ông trình tín vật cho mọi người xem, ông chỉ được phép thuyết pháp môn Trung thừa, tức hệ Bát Nhã, còn pháp môn chánh là Thiền tông học, ông phải nói hạn chế trong phạm vi 10% thôi,  khi nào có ai muốn tu Giác ngộ Giải thoát hãy tận tình giúp đỡ họ. Vì trong Huyền ký Như Lai có dạy, phải đợi đến đời Mạt Thượng pháp, pháp môn nay mới được công khai nói ra. Vì đến thời kỳ đó, loài người đã văn minh lên cao, nên họ dễ dàng tiếp nhận pháp môn Thiền tông học này. Khi Ngũ Tổ dẫn Ngài xuống thuyền để qua sông, Ngũ Tổ cầm chèo để chèo qua sông, Ngài nói với Ngũ Tổ một câu hết sức cảm động:

Khi mê, Thầy độ con, hôm nay con đã ngộ rồi, con xin tự độ lấy con.