Anh Nguyễn Vạn Hội hỏi


25- Vị thứ hai mươi bốn: Anh Nguyễn Vạn Hội, năm 1980, tại Thành Phố. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cư ngụ tại nhà số 22/22K, đường Nguyễn Văn Chiêu, phường 16, quận Gò vấp, Tp. Hồ Chí Minh, có đưa trình các câu kệ của vị hoà thượng, nói là vị ấy đã giác ngộ “Bí mật Thiền tông”, bài văn và kệ ấy như sau:
1. Đạo Phật là đạo nhân quả.
2. Tín, hạnh, nguyện là nhân.
3. Thành đạo cứu cánh là quả.
4. Trực chỉ tu hành.
5. Tâm trí không nhiễm.
6. Vốn tự nhiên thành.
7. Chỉ lìa vọng duyên.
8. Tức như như Phật.
Tám câu trên vị hoà thượng ấy gộp lại giải thích như sau:
1. Sống trong thế tục mà không nhiễm.
2. Hành trong muôn duyên mà vẫn lìa.
3. Nhờ không, mà pháp giới mới hiện hữu được.
4. Và chính sự kiện pháp giới hiện hữu như thế, nên phải là không.

Tác giả Nguyễn Nhân phân tích các câu văn kệ nói trên:
1- Nếu nói đạo Phật là nhân quả thì không đúng.
Vì sao không đúng?
Vì tổng thể đạo Phật, Đức Phật dạy rất rõ ràng như sau:
A- Trong tam giới là do vật lý và Âm Dương “điều hành”. Vì vậy, sự sống trong Tam giới là phải tuân theo qui luật của nhân quả.
B- Phật tánh, là tánh tự nhiên không có nhân quả. Do vậy, trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh, là tự nhiên như vậy thôi, nên Đức Phật gọi là Chân Như, tức cái Như Như chân thật.
C- Việc trong Tam giới là của Tam giới, cho nên bất cứ ai vào sống trong Tam giới là phải sống đúng theo luật của nó. Vì nguyên lý này, mà Đức Phật dạy nơi pháp môn Thiền tông học như sau:
– Ban đầu, Đức Phật sử dụng tâm vật lý để dạy các pháp môn còn nằm trong vật lý, nến có kết quả đúng theo quy luật vật lý, tức không thoát ra ngoài luân hồi được.
– Còn pháp môn Thanh tịnh thiền này, Như Lai sử dụng tánh Thấy hoặc tánh Nghe của Ý trong Phật tánh. Do vậy, ai sử dụng tánh Thấy hoặc tánh Nghe thanh tịnh này, nếu có duyên lớn sẽ nhận được tánh Nghe hoặc Thấy thanh tịnh của chính mình thật rõ ràng, thì mới mong vượt ra ngoài luân hồi của vật lý được.
Vị hòa thượng này nói đạo Phật là đạo nhân quả, chỉ đúng có một khía cạnh nhỏ thôi.

2,3- Tín, hạnh, nguyện là nhân, thành đạo cứu cánh là quả. Vị hoà thượng không hiểu Thiền tông mà Đức Phật dạy.
Vì sao không hiểu?
Vì người tu theo Thiền tông, mà sử dụng tín, hạnh hay nguyện, thì người này không biết được lời của Đức Phật dạy, tu gì còn luân hồi, tu gì mới giải thoát được.
Đức Phật dạy thật rõ:
– Các ông có ngồi đó tu tín, hạnh, nguyện trong vật lý, một ngàn năm cũng còn trong nhân quả luân hồi.
Đức Phật có dạy rõ phần này:
Tu trong luân hồi, làm sao đạt được quả vô sanh?

4- Tu hành, là sử dụng tâm vật lý để tu. Vì vậy, các vị Tổ sư Thiền tông dạy: Ai sử dụng tâm vật lý để tu hành là mang họa vào thân!

5- Tâm và trí là hai thứ của vật lý được Đức Phật phân chia như sau:
A- Tâm con người có, là do duyên hợp của tứ đại hình thành mới sanh ra nó.
B- Còn vọng thức, là do cái Tưởng của tâm người. Do vậy, những thứ do tâm tưởng tượng ra, nó phải đi theo chiều: Thành – Trụ – Hoại – Diệt, tức luân hồi, thì làm sao trở về “Bản thể Thanh tịnh” chân thật của chính mình được.

6- Vốn tự nhiên thành.
– Thành cái gì, Phật tánh nó là tự nhiên như vậy, mà đem cái tâm của người vật lý ra tu, để thành cái Phật tánh được sao?
Đức Phật có dạy, người nào sử dụng tâm vật lý để tu hành, khi được thành tựu, thì đem cái thành tựu đó bỏ xuống mồ mà chôn đi!

7, 8- Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật. Lìa vọng tưởng thì ông Phật sẽ hiện ra liền chứ gì?
Thử hỏi, ở thế giới này ai lìa được vọng tưởng?
Vọng tưởng là tự nhiên của thế giới này, ai vào đây bắt buộc cũng phải sử dụng những thứ vọng ở thế giới này.
Vì sao phải sử dụng?
Vì chúng ta, ai ai cũng mang thân duyên hợp cả. Đã là thân duyên hợp thì phải sử dụng tâm vọng tưởng mới phải; còn vị nào sử dụng tánh Phật để Nghe, Thấy, Nói và Biết, dù vị đó không muốn thành Phật, thì ông Phật cũng phải hiển lộ ra, mình không chạy trốn ông Phật được!
Nói tóm lại, 8 câu trên, vị hoà thượng nêu, “Ngài” chưa biết Phật tánh là gì, thì làm sao tu theo đạo Phật đúng được.
Vậy, chúng tôi xin hòa thượng về sưu tầm, nghiên cứu lời Đức Phật dạy thêm nữa, mới mong đạt được ý sâu mầu của Đức Phật dạy.

 
TRÍCH: NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 2 (QUYỂN 4)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN