​|HĐTT| Chia sẻ bài viết hay về: CÔNG ĐỨC, PHƯỚC ĐỨC

HỎI: NHƯ THẾ NÀO LÀ PHƯỚC ĐỨC ? LÀM PHƯỚC NHƯ THẾ NÀO GỌI LÀ CÓ TRÍ TUỆ? NHƯ THẾ NÀO LÀ CÔNG ĐỨC ?. CÁCH TẠO RA CÔNG ĐỨC? VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC?
– Như chúng tôi đi nhiều nơi, thấy các chùa chủ trương dạy các Phật tử phải làm Phước thật nhiều để hưởng sung sướng và thoát khổ; tụng kinh, niệm Phật hoặc ngồi thiền để cầu Phật Thích Ca, Phật A Di Đà hay Bồ Tát Quan Thế Âm chỉ dạy con đường Giải thoát; quý thầy nghĩ sao?

Vị Đại Diện chùa cũng sẵn lòng trả lời nhưng trên gương mặt dường như có vẻ còn đôi chút trăn trở :

– Đây là vấn đề tế nhị. Chúng ta bình luận về việc làm người khác là điều không nên. Nhưng vì quý vị đã hỏi thì chúng tôi cũng vẫn phải trả lời vậy. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ khuyên quý vị hãy dùng đầu óc khoa học của mình để suy xét, đừng mê tín, nên trung lập thôi. Hãy đem những lời dạy sâu mầu của Đức Phật đã dạy trong các Kinh điển, mà nghiền ngẫm cho thật kỹ. Tất cả những pháp môn mà Đức Phật đã dạy, kết quả như thế nào, trong bộ sách của tác giả Nguyễn Nhân chúng tôi thấy đề cập cũng rất rõ. Tin hay không là tùy ở căn cơ và nghiệp duyên của mỗi người vậy. Nếu chúng ta thấy thuận lý thì nghiên cứu tu tập thêm, còn nếu thấy không thuận với suy nghĩ và hiểu biết của mình thì coi qua cho biết rồi thôi vậy.
Tụng kinh, niệm Phật, ngồi Thiền, đều có kết quả và thành tựu riêng cả. Tác giả Nguyễn Nhân cũng đề cập nhiều trong sách rồi. Còn vấn đề Công Đức, Phước Đức, chúng tôi chỉ nhắc nhở quý vị đôi lời thôi.

– Phước Đức là của vật lý thế gian. Phước Đức được ví như tiền giấy vậy. Tiền giấy có chất cao như núi đi nữa, nhưng đốt sẽ cháy thành tro cả. Vì Phước Đức là của vật lý nên phải có hai chiều Âm – Dương. Chiều Dương là chiều đi lên nên gọi là Phước , chiều Âm là chiều đi xuống nên gọi là Họa. Khi người nào có Phước thật nhiều thì sinh ra sẽ đẹp hơn người, thông minh hơn người, giàu có hơn người, ăn ngon, mặc đẹp hơn người khác, được nhiều người quý mến v.v… Người được cho là thiếu Phước thì nhìn bên ngoài khốn khổ, nghèo khó, gia đình tan nát, bị nhiều người khinh chê …

– Ví như chúng ta có lòng thương người, giúp đỡ một người nghèo nào đó về tiền bạc. Nếu người đó nhận tiền của mình mà cố gắng làm ăn, có nghề nghiệp ổn định, nuôi sống gia đình họ, cuộc sống họ hạnh phúc hơn. Khi đó mình sẽ được một phần Phước. Tuy nhiên, nếu người chúng ta giúp đỡ không như chúng ta nghĩ, họ lợi dụng lòng thương người chúng ta, không chịu làm ăn mà lại đi cờ bạc, nghiện ngập, thì chính chúng ta đã tiếp tay gián tiếp làm hại thêm người đó. Như vậy, chúng ta tất nhiên sẽ giảm Phước vậy.

– Vấn đề phóng sanh cũng thế, ví như chúng ta rải lòng từ bi thương yêu chúng sanh, chúng ta mua cá đem thả xuống sông để Giải thoát cho chúng. Nếu chúng được thả tự do hoặc mạng sống của chúng được kéo dài thêm 10 ngày nữa thì tất nhiên chúng ta sẽ được thêm Phước 10 ngày vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta thả cá xuống vùng nước bị ô nhiễm làm cá chết đi, thì chúng ta sẽ nghĩ sao? Hoặc có trường hợp xảy ra thường tình, như bên đây chúng ta vừa thả cá, liền bên kia có một vài chiếc ghe của những người đi chích cá, họ lại bắt và đem bán lại cho người khác. Như vậy không phải vô tình chúng ta làm giảm tuổi thọ của bầy cá kia hoặc gián tiếp đẩy người chích cá đi sâu vào con đường Nhân Quả hay sao? Ở đây cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu mình không thả cá thì họ vẫn chích cá đấy thôi. Chúng ta hãy suy xét kỹ lại xem, chuyện họ chích cá đã là nhân quả của riêng họ rồi, nhưng hành động gián tiếp của chúng ta đã là NHÂN để rồi cái QUẢ là đẩy họ đi sâu thêm vào con đường sát sanh nữa.

– Vấn đề cúng dường cũng vậy. Mục đích của chúng ta là muốn cúng dường Tam Bảo, muốn cho Tam Bảo được trường tồn, đó là mục đích tốt. Tuy nhiên nếu những người trong chùa sử dụng đồng tiền của bá tánh ấy mà làm nhiều việc thiện, có ích, v.v… thì mình sẽ được Phước tương ứng với việc làm ấy. Ngược lại, nếu những người ấy sử dụng đồng tiền không đúng mục đích thì sao? Tất nhiên chúng ta cũng sẽ bị vạ lây là vậy.

– Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều người giả danh quý thầy tu, đầu tròn áo vuông, lợi dụng lòng tin nơi Tam Bảo, thật giả lẫn lộn, khiến cho những người như chúng ta không biết đường nào mà lần. Vô tình, làm cho những đạo khác hoặc những người không theo Đạo Phật nghĩ sao về Đạo Giải thoát của Như Lai? Thật, quả đây là thời Mạt Pháp vậy!

– Trở lại việc bố thí, cúng dường, Ông Bà xưa cũng có nói: “Phước – Họa đi liền một đôi” là muốn nói ở chỗ này. Đức Phật cũng có dạy rõ trong các Kinh là “Bố thí có trí tuệ” là vậy. Cho nên chúng ta muốn làm Phước cũng phải thận trọng. Như muốn giúp người thì phải suy xét coi người ấy như thế nào, v.v… rồi hãy giúp. Muốn phóng sanh cá thì phải lựa chỗ nước sạch sẽ hoặc không có những người chích hoặc bắt cá gần đó. Muốn cúng dường thì cũng vậy. Hơn nữa, muốn bố thí thật trọn vẹn thì hãy làm theo lời dạy của Đức Phật là “Bố thí Ba-la-mật”, có nghĩa là bố thí trong sự thanh tịnh, không “cầu mong” hoặc “đòi hỏi” thêm điều gì ngoài sự bố thí, thì khi đó việc bố thí hay làm Phước sẽ được viên mãn.

– Ngày nay chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều người đi chùa, cầu xin, làm Phước, phóng sanh thật nhiều, lại đi khoe với nhiều người khác cùng biết là mình làm Phước nữa, mà không hiểu hết ý nghĩa của những việc làm ấy; tự dưng sau một thời gian bản thân người ấy và gia đình lại nghèo khó, sa sút dữ dội, v.v… Bởi vì, chính họ cũng đâu có biết, việc đi khoe cho nhiều người cùng biết đó, chính là việc chia Phước báu của chính mình cho họ!

– Đây là cách chúng tôi chỉ quý vị muốn làm Phước đúng để không phải bị họa sau này. Tuy nhiên, chủ trương của pháp môn Thiền tông là, chỉ làm ít Phước thôi mà chú trọng tạo ra Công Đức càng nhiều càng tốt. Vì sao vậy?

– Vì làm Phước đủ để tạo thuận duyên cho việc tu tập Thanh tịnh thiền thôi. Trong kinh Phật hay dạy chúng ta là: “Thiểu dục tri túc” đấy thôi. Quan trọng là chúng ta giảm bớt sự ham muốn và biết đủ là được rồi. Nếu Phước thật nhiều thì bắt buộc chúng ta phải hưởng hoặc giữ lấy Phước đó, dù muốn hay không. Nhưng hưởng hay giữ lấy rồi thì khó lòng mà Giải thoát được. Chúng ta hãy học hỏi theo gương của Thái Tử Tất Đạt Đa và vua Trần Nhân Tông. Cả hai Ngài trước kia đều là những vị vua hay Thái Tử, sống trong cung vàng điện ngọc, người hầu kẻ hạ, Phước báu vô ngần, nhưng rồi cũng từ bỏ những việc ấy để vào rừng hay lên núi tu tập. Quý vị thử nghĩ xem, các Ngài ấy đi tìm cái gì?

– Ngày xưa, khi chưa Giác Ngộ, các Ngài luôn muốn tìm một con đường hay cách thức nào đó, trước tiên là tự cứu lấy chính mình, rồi sau đó cứu giúp nhân loại. Chính các Ngài cũng không biết đi tìm “cái gì” và tên gọi của “cái đó” như thế nào? Khi các Ngài đã đạt đạo rồi, các Ngài mới hiểu ra và chỉ cho chúng ta biết đó là hai từ “Công Đức”. Nói như vậy, không phải chúng ta bắt chước các Ngài tu tập là phải buông bỏ hết mọi thứ, vào rừng sống một mình, bất cần đời. Chúng ta phải biết rằng, ngày xưa đó là nhiệm vụ của một vị Phật và một vị Tổ nên các Ngài mới đi tìm con đường như thế. Ngày nay, chúng ta chỉ cần kế thừa những lời dạy của các Ngài mà thôi. Bởi thế, Như Lai mới nhiều lần lặp lại lời của Ngài trong các Kinh điển đó là: “Chớ giẫm Như Lai vết đã qua”.
Ví như các nhà khoa học đã tìm ra công thức chế ra điện để sinh hoạt, chúng ta chỉ cần áp dụng công thức đó mà xài thôi, không cần phải vô ích đi nghiên cứu tìm tòi lại cho mất công.
Ngược lại với làm Phước, việc tạo Công Đức càng nhiều càng tốt. Chính Công Đức này sẽ là “hành trang” giúp chúng ta thoát ra quy luật vật lý âm dương, nhân quả để trở về với “quê hương cội nguồn” thật sự của mình.

Quý vị thử nghĩ xem, một quyển sách hay một cái đĩa chỉ ra con đường Giác Ngộ – Giải thoát, quý vị đem đi biếu hoặc tặng cho một người thật sự cần nó, hoặc mình dùng khả năng của mình (tiền, của…) trợ giúp cho những người đang mong muốn tìm đường Giải thoát. Nếu người ấy may mắn Giác Ngộ được “Yếu chỉ Thiền tông” hoặc cao hơn là “Bí mật Thiền tông”, đồng nghĩa với con đường luân hồi của người ấy được rút ngắn đi, thì chính đó là số Công Đức rất lớn mà quý vị đã tạo ra vậy. Nếu tuyệt vời hơn, vị ấy được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh” thì quý vị tự nhiên sẽ được Vô lượng Công Đức. Để dẫn chứng cho vấn đề này, chúng tôi xin trích một câu chuyện sử nổi tiếng ngày xưa về Tổ Bồ Đề Đạt Ma đối đáp với vua Lương Võ Đế như sau:

“Khi Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, Ngài đến nước Lương, gặp vua Lương Võ Đế, vua Lương Võ Đế hỏi Ngài:
– Trẫm cả đời cất chùa độ Tăng, như vậy Trẫm có Công Đức chi chăng?
Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời:
– Thật bệ hạ không Công Đức chi cả!
Vua Lương Võ Đế hỏi tiếp:
– Trẫm cất chùa thật nhiều và độ Tăng vô số, ý Trẫm là muốn Giác Ngộ và Giải thoát. Vậy, Thầy đánh giá Trẫm như thế nào?
Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời:
– Đức vua vĩnh kiếp mãi trầm luân!
Vua Lương Võ Đế lại hỏi:
– Như vậy, tu tột cùng của Đạo Phật để được thành Thánh, nếu nói như Thầy, vậy tu sau cùng để được cái gì?
Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời:
– Tu sau cùng không thành cái gì cả!
Tức quá, vua Lương Võ Đế hỏi thêm:
– Vậy Thầy có biết ta là ai không?
Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời cộc lốc:
– Không biết!
Vua Lương Võ Đế chỉ mặt Tổ Bồ Đề Đạt Ma và nói một loạt:
– Như vậy, ông là ông Thầy bị điên rồi!
– Làm việc thiện mà không Công Đức!
– Tu từ người Phàm để trở thành là Thánh mà Thầy cũng không biết!
– Tu sau cùng không thành cái gì cả, như vậy Thầy bị điên quá mức rồi!
– Vậy tu để làm gì?
Vua Lương Võ Đế tức giận bỏ đi, Ngài nhìn Tổ Bồ Đề Đạt Ma không một lời từ giã, làm cho tất cả quần thần trong triều lúc bấy giờ, rất đỗi bất bình đối với Tổ Bồ Đề Đạt Ma”!


Như vậy, quý vị thấy đó, cả đời vua Lương Võ Đế cất chùa và độ không biết bao nhiêu vị tăng nhưng cuối cùng hỏi ra lại không có một chút Công Đức gì hết, thì quý vị nghĩ sao về Công Đức ?
Công Đức là làm hay suy nghĩ bất cứ điều gì để giúp và đưa mình cùng mọi người đến sự Giác Ngộ Giải thoát để trở về Phật Giới.
Công Đức cũng nằm ở sự Thanh Tịnh Thường Hằng Bản Nhiên. – TRÍ TUỆ VIÊN DUNG SÁNG SUỐT.


Thấy chúng tôi lặng nhìn hồi lâu mà không trả lời, vị đại diện chùa với vẻ an ủi:

– Hoài bão của chúng tôi là làm tròn lời dạy của Đức Phật và giúp cho những ai thực sự muốn Giác Ngộ – Giải thoát, tìm đúng con đường cho mình. Được một người hiểu thì chúng tôi mừng cho một người. Đời người vô thường, sống nay chết mai, ai biết mình sẽ đi về đâu, để rồi lại UỔNG CẢ MỘT KIẾP NGƯỜI. Đức Phật dạy: “Cơ hội để được làm người, như cơ hội của con rùa mù giữa biển khơi vớ được bọng cây. Mà 1.000 năm con rùa mù ấy mới trồi lên mặt nước một lần”. Thật khủng khiếp biết chừng nào! Quý vị có lòng nghiên cứu là rất tốt, tuy nhiên nếu quý vị theo sách chỉ dẫn mà tu tập thử một thời gian, tự thân quý vị sẽ cảm nhận việc chúng tôi nói là đúng hay sai, lúc đó vẫn chưa muộn. Có khi chừng quý vị nhận được sự kỳ diệu của Thanh Tịnh Thiền này, quý vị lại hết lòng ra sức giới thiệu pháp môn Thiền Tông này cho mọi người cùng tìm hiểu thì sao. Tuy nhiên, trước tiên hãy tự cứu lấy mình cái đã. Tâm huyết cả đời của những vị Thầy trước cũng như chúng tôi, là quyết giữ gìn ngôi Chánh Pháp của Như Lai. Nhưng phàm cái gì có hình tướng đều phải tuân theo Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Chùa Thiền tông Tân Diệu này cũng vậy, sẽ đến một lúc nào đó bị hoại diệt bởi luật Vô Thường hoặc cũng có thể bị phá bỏ bởi một nhóm người bị đụng chạm đến lợi ích cá nhân nào đó không chừng. Có thể 20 năm nữa, ngôi chùa này sẽ bị người ta tàn phá hết cũng nên !

Câu nói như bỏ ngõ của vị đại diện chùa, chợt làm chúng tôi giật mình, tự hỏi liệu đây có phải là lời Huyền Ký lại cho hậu thế chăng? Nghe đến đây, chúng tôi thấy lòng mình tự dưng nghẹn ngào. Trong thâm tâm chúng tôi tự hứa, rằng quý Ngài hãy yên tâm, tự thân chúng tôi biết trách nhiệm mình sẽ phải làm gì!
Chuyện sanh diệt thế gian
Như hoa đốm hư không
Trí không chấp có không.
Không chấp ngã, chấp pháp.
Từ đó lìa đối đãi.
Ngay đó nhập trung đạo.
Tâm mình nhập Tự tánh.
Ngay đó liền gặp “Phật”.
Giúp người được như mình.
Hết duyên Tứ đại rã
“Quê Xưa” ta đã về.

 
Cảm ơn quý đạo hữu đã quan tâm đến bài viết.
TRÍCH QUYỂN “CHÙA THƠ – DẤU ẤN NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN”.