Đức Phật dạy thêm về phần Như Lai nhập Niết Bàn

Đức Phật dạy thêm về phần Như Lai nhập Niết Bàn:
-Này Tôn giả A Nan: Khi Như Lai nhập Niết Bàn, một ngày sau ông Ma Ha Ca Diếp mới về đến. Các ông nhớ mở nắp Kim quan để Như Lai truyền Thiền lần thứ hai dưới sự chứng kiến đông người. Còn phần ông hiện giờ chưa nhận Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh. Sau này, ông sẽ được Sư huynh ông là Ma Ha Ca Diếp truyền cho.
Ngài A Nan Đà thưa hỏi tiếp:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Như Lai sắp nhập Niết Bàn, nhưng hiện giờ, Sư huynh đại đầu đà Ma Ha Ca Diếp không biết ở phương nào làm sao biết Đức Thế Tôn diệt độ mà về?
Đức Phật dạy Ngài A Nan Đà:
– Này Tôn giả A Nan: Khi Như Lai vào Bể tánh Thanh Tịnh, tất cả các ông Tâm cũng phải Thanh Tịnh như Như Lai, hai luồng Thanh Tịnh Thiền này, có tác dụng tạo thành Thanh Tịnh trùm khắp. Nhờ đó, ông đại đầu đà Ma Ha Ca Diếp, cũng như tất cả các vua, quan, dân chúng đều cảm nhận được ánh từ quang này, nhờ vậy, họ biết Như Lai đã nhập Niết Bàn.
Còn phần kiết tập lời dạy của Như Lai: Sau khi Như Lai diệt độ, các ông họp lại ghi chép tất cả những lời dạy của Như Lai trong suốt 49 năm, phân chia ra thành 4 phần:
Phần thứ nhất:
– Các lời dạy 15 năm đầu của Như Lai dạy, tất cả các môn Thiền Quán, để đạt những hiện tượng và thần thông nhẹ, gọi là Pháp môn Nguyên thủy.
Phần thứ hai:
– Các lời dạy 15 năm kế tiếp của Như Lai, tất cả lý luận gọi là Trung Đạo.
Phần thứ ba:
– Các lời dạy 15 năm sau nữa, Như Lai dạy, các Pháp môn Thiền, nghi, tìm, gọi là Pháp môn Đại thừa.
Phần thứ tư:
– Bốn năm sau cùng, Như Lai dạy Thanh Tịnh Thiền. Đây là Pháp môn Thiền mà hoài bão của Như Lai muốn dạy cho chúng sanh ở cõi Ta bà này. Vì quá đơn giản mà lại thành tựu cao nhất, sâu mầu nhất, trùm khắp nhất; nhưng trái ngược với sự hiểu biết của loài Người ở Thế Giới này, nên rất ít người tin, nếu có tin, cũng không thể nào tu tập được! Vì sao vậy? Vì loài Người cứ mãi chạy tìm kiếm bên ngoài, không chịu quay trở lại mình, thích cầu xin người này, khẩn lạy người nọ. Các ông nghĩ xem: Sự sống Tánh Phật, nó ở trong vỏ bọc của Tánh Phật. Nó là cái Chân Như, tức như vậy thôi. Mà loài Người cứ đi cầu người này, khẩn lạy người kia. Những người này còn ở trong Luân hồi mà cầu lạy họ cái gì? Thân Tâm họ cũng ở trong lục Đạo Luân hồi như bao nhiêu người khác, họ chưa giúp được họ, thì làm sao giúp mình được, sở dĩ, nhiều người cầu xin khẩn lạy là có 3 nguyên do như sau:
1. Người đứng ra tổ chức đó được lợi rất lớn.
2. Họ thấy loài Người ai nói gì cũng nghe và tin.
3. Vì vậy, họ chỉ cần ăn no ở không, tưởng tượng nhiều chuyện để dụ những người ngu khờ để lấy tiền.
Đức Phật dạy thêm: Pháp môn này là Tối Thượng thừa Thiền, cũng gọi là Như Lai Thanh Tịnh Thiền, mà từ đời Tổ A Nan về sau gọi là Thiền Tông. Vì Pháp môn Thiền Thanh Tịnh này, nó có tông và dòng riêng của nó, không dính gì đến các Pháp môn tu mà Như Lai dạy suốt 45 năm trước. Tuy nhiên, trong suốt 45 năm trước đó, Như Lai có dạy ẩn ý về Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này.
Vì sao Như Lai không dạy rõ Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này ở thời ban đầu? Như Lai có dạy đó là bài pháp “Bụi Trần” để độ 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu với Như Lai ở thuở ban đầu. Mục đích của Như Lai muốn giúp cho nhiều người ra ngoài sự cuốn hút của vật chất Trần gian này nhưng khi Như Lai đã thành Phật, thì Như Lai thấy Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này khó quá ! Vì sao vậy? Vì Pháp môn này là từ bỏ những thứ danh, lợi, địa vị, mà loài Người sống trong sức hút của Vật lý Âm Dương, nên khó có ai thoát ra được. Nếu Như Lai dạy Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này không, thì không ai đến học, đồng nghĩa không giúp cho ai Giải Thoát cả.
Như Lai căn dặn Ngài A Nan Đà thêm:
– Này Tôn giả A Nan: Khi Như Lai diệt độ, ông có bổn phận nói lại những gì mà Như Lai dạy ở Thế Giới này, để cho những người có bổn phận kiết tập thành những bộ sách ghi những lời dạy của Như Lai gọi là Kinh.
Tôn giả A Nan hứa với Đức Phật:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Con xin vâng lời Đức Thế Tôn dạy.
 
 
TRÍCH: KHAI THỊ THIỀN TÔNG (QUYỂN 5)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN