Ông Vũ Văn Hoàng hỏi

14- Ông Vũ Văn Hoàng, nước New Zealand hỏi
Ông Vũ Văn Hoàng, sanh năm 1944, tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cư ngụ tại thủ đô Wellington, nước New Zealand, hỏi:
– Kính Trưởng ban, kinh Niết Bàn Đức Phật dạy Phật Tánh của chúng sanh là thường, còn các pháp và vạn vật ở thế gian là vô thường. Sao trong kinh Pháp Bảo Đàn, Đức LụcTổ dạy Phật Tánh là vô thường còn các pháp và vạn vật là thường. Theo Trưởng ban, Phật dạy đúng hay Lục Tổ dạy đúng?
Trưởng ban trả lời:
– Câu hỏi ông rất hay, nhưng ông hỏi Phật đúng hay Tổ đúng lại là không hay.
Vì sao vậy?
Vì Đức Phật là Đấng tối cao Giác Ngộ hoàn toàn. Còn Lục Tổ, là vị luôn lúc nào cũng sống trong Phật Tánh Thanh Tịnh của chính Ngài. Ông đem trí phàm tình của ông để hỏi cái trí tuệ chân thật của các bậc Thánh thì làm sao đúng được.
Sở dĩ Đức Phật dạy Phật Tánh là thường, còn vạn hữu bên ngoài là vô thường, là Phật dạy chung cho tất cả chúng sanh và các vị tu theo Đạo Phật mà còn chấp.
Còn Đức Lục Tổ dạy chỗ này, là Ngài dạy riêng cho ông Hành Xương. Vì Ngài đã hiểu thấu khả năng của ông Hành Xương sẽ ngộ Đạo, nên Ngài dạy thẳng chỗ chân thường trong vạn vật. Vì vậy, mà lời dạy của Đức Phật và Đức Lục Tổ có sai biệt.
Tôi xin phân tích về cái chân thường Phật Tánh mà Đức Phật nói trong kinh Niết Bàn:
Trong kinh Niết Bàn Đức Phật nói là để dạy hàng phàm phu như chúng ta, cao hơn chúng ta là hàng Nhị thừa.
Hàng phàm phu của chúng ta cho Tánh Người và thể xác của mình là thật có. Khi còn sống, lo cho nó được ăn ngon ngủ kỹ, cung cấp tất cả những gì nó muốn, nó đòi hỏi, kể cả làm những chuyện phạm pháp cũng dám làm, miễn làm sao có vật chất đầy đủ để cung phụng cho nó là được.
Còn về Tánh người, ai nói mình làm việc này, việc nọ, sẽ được hưởng cái này, cái kia, đến chỗ này đến chỗ nọ, được cao sang đủ thứ. Vì vậy, cứ cấm đầu vô làm để đạt được cái hư ảo. Lúc nào cũng lo cho nó, dù bất cứ giá nào cũng phải lo. Kể cả khi chúng ta chết đi cũng phải lo cho mồ yên mã đẹp, có người còn lo nhà, cửa, xe cộ đem theo nữa, v.v…
Còn hàng Nhị thừa, chấp chặt Phật Tánh là thường, còn hoài không thay đổi. Còn vạn vật và vạn. pháp ở thế gian là giả dối là vô thường, họ cho đó là khổ. Nên họ cố gắng tu hành để từ bỏ cái vô thường mà về an trú trong cái thường còn, họ cho là mình đạt được cái chân thường, nên họ được cái quả này quả nọ. Tuy họ chứng được quả này quả nọ, nhưng xét cho cùng họ không Giải Thoát được.
Vì sao không Giải Thoát được?
Vì họ còn “ôm cái quả vị”; khi ôm quả vị thì phải lo cho cái quả vị mà họ được, nếu nói là Giải Thoát, là tự dối lòng, còn ham được (dính mắc) mà Giải Thoát cái gì?
Đức Lục Tổ dạy Phật Tánh là vô thường.
Vì sao là vô thường?
Vì Ngài thấy nó luôn vận hành chứ không thể ở yên như hàng phàm phu và Nhị thừa chúng ta hiểu.
Người sống trong Phật Tánh, Thấy Phật Tánh luôn lúc nào cũng vận hành, nhưng vận hành trong Thanh Tịnh, chứ không phải đứng yên như trong kinh Niết Bàn Đức Phật đã dạy.
Nếu bình thường có ai hỏi, Đức Lục Tổ cũng nói như trong văn kinh thôi. Nhưng đối với ông Hành Xương, Ngài biết người này có căn cơ lớn, nên Ngài mới dạy thẳng cái thường trong vô thường của vạn vật, nên người bình thường nghe trái với văn kinh. Nhờ vậy, mà ông Hành Xương triệt ngộ Thiền Tông.
Theo Đức Lục Tổ dạy, nếu Phật Tánh là thường, nó như vậy hoài thì người tu không thể chuyển từ phàm đến Thánh được.
Các pháp và vật chất, Đức Lục Tổ bảo là thường là nói về cái thể. Xin nêu ví dụ như dưới đây ông sẽ hiểu:
Ví dụ về nước: Tính thường của nước là ướt. Dù ở trạng thái nào nó cũng ướt. Như nước ngọt, nước cam, nước đá, nước cà phê, nước trà, nước sữa, nước rượu, v.v… cái dụng của nước là vô thường, nhưng cái thể ướt của nước là thường.
Còn ví dụ về âm thanh:
Tiếng vang của âm thanh, có nhiều thứ tiếng phát ra, tuy không đồng nhất, nhưng tiếng nào rành mạch từng tiếng nấy, không tiếng nào đè lên tiếng nào, nó có đầy đủ trong không gian. Đức Phật gọi là Tánh Pháp. Tiếng vang trong Phật Tánh là trùm khắp; còn tiếng vang do loài người hay muôn động vật phát ra, tùy theo loài mà vang gần hay xa.
Nếu Phật Tánh phát ra tiếng, khi âm vang hết, nó trở về Bể Tánh Thanh Tịnh của Phật Tánh. Chỗ vang đi trùm khắp, khi hết tiếng vang, tiếng vang ấy lại trở về Phật Tánh, tiếng vang ấy cũng là vô thường. Còn cái thường của tiếng Pháp vang, là cái hàng thường của Phật Tánh Thanh Tịnh.
Xin nói thật rỗ chỗ này như sau:
Tiếng Pháp của chư Phật ở trong Bể Tánh Thanh Tịnh trong Phật Tánh nó đi trùm khắp là lý do như sau:
Vì nó không bị cản của vật lý.
Còn tiếng của các loài ở Thế Giới này không đi xa được, là vì bị sức cản của vật lý.
Hiện nay, tiếng của loài người nói ra mà được đi xa, là nhờ làn sóng Điện từ Dương của vật lý đẩy và chuyền đi, nhưng cũng trong phạm vi trái đất này. Còn muốn phát đi ngoài trái đất này, thì phải sử dụng máy có làn sóng Điện từ Dương cực mạnh. Dù máy có mạnh đến đâu, cũng không vượt ra ngoài Tam giới này.
Đức Phật nói Phật Tánh thường, là Như Lai nói tiếng pháp của chư Phật.
Đức Lục Tổ nói Phật Tánh vô thường, là Ngài nói Phật Tánh luân chuyển nơi Thế Giới này và trong 1 Tam giới này.
Ví dụ về vật chất ông dễ hiểu hơn:
Người bình thường cho vách tường là kín mít không hở, nhưng các Nhà Khoa học nhìn qua kính hiển vi điện tử, phóng to lên vài ngàn lần, họ thấy vách tường trống hở.
Ở thế gian cũng vậy, tuy một vấn đề, có ai đến hỏi người trí thức, người trí thức khi trả lời cho đối tượng hỏi, coi người hỏi ở trình độ nào, nếu hàng học sĩ họ trả lời khác, còn hạng bình dân họ trả lời khác.
Người học Đạo mà mê tín, ham thần quyền thì khác, còn người học Đạo thiền, để được Giác Ngộ và Giải Thoát thì khác.
Khi người thầy trả lời mà đã sống với Tánh Phật của mình rồi, tự nhiên vị ấy hiểu rõ căn cơ của người đối diện hỏi, không phải một đời mà vô số đời về trước.
Vì vậy, Tổ nghe ông Hành Xương hỏi, Tổ chỉ giải thích vài câu, ông Hành Xướng thoát nhiên triệt ngộ Thiền Tông. Nếu Lục Tổ nói theo văn kinh Niết Bàn, biết chừng nào ông Hành Xương ngộ Thiền Tông được.

 
TRÍCH: NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 1 (QUYỂN 2)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN