Tại sao phải cân bằng Âm – Dương

16 – TẠI SAO PHẢI CÂN BẰNG ÂM – DƯƠNG
Cụ Diệp Bá Thành hỏi tiếp:
– Tại sao cơ thể được cân bằng mà ít bệnh?
Trưởng Ban trả lời:
– Chúng tôi xin dẫn chứng các nguyên lý như sau về cân bằng Âm – Dương, hay nói cho đúng là Âm – Dương được quân bình cho cụ rõ:
Thứ nhất: Ví như chiếc tàu chở nặng quá (âm), khi bị sóng to gió lớn, bị… chìm.
Thứ hai: Ví như tàu chở nhẹ quá (dương), khi sóng to gió lớn cũng… lật, nên bị chìm.…
Thứ ba: Ví như chiếc tàu chở vừa, không nặng cũng không nhẹ, (Âm – Dương được quân bình), nó di chuyển êm ái nhẹ nhàng, dù có phong ba bảo tố cũng có thể vượt qua an toàn được.
Ba ví dụ nói trên, như cơ thể con người tu theo Thiền Tông học, dung nạp thức ăn về nguyên lý Âm – Dương được cân bằng rồi, mọi bệnh tật khó mà phát sanh ra được, nếu có hoàn cảnh xấu nào phát sanh ra, luật Âm – Dương cũng có thể giúp người tu vượt qua một cách rất dễ dàng.
Thực phẩm thiên nhiên và thực phẩm độc hại:
Chúng tôi xin dẫn chứng theo Khoa học để người sử dụng biết mà sử dụng cho đúng, ít sanh bệnh để tu theo Thiền Tông học có kết quả tốt nhất:
Như hệ thống tim mạch của chúng ta ví như sông ngòi trên Trái Đất. Khi hệ thống sống ngòi bị ô nhiễm vì hóa chất, cỏ cây xung quanh sẽ bị vàng úa, èo uột…
Cơ thể của chúng ta cũng vậy, nếu bị nhiễm hóa chất độc hại bởi những thức ăn, nước uống, thì các tế bào ốm yếu, bệnh tật, hiện ra bên ngoài, con người gầy còm, yếu đuối, xanh xao, chỗ nào nặng sẽ sanh viêm nhiễm hay ung thư, v.v…
Vì lẽ đó, người tu theo Pháp môn Thiền Tông học Phật giáo, phải hiểu cách ăn uống đúng theo phương pháp Âm – Dương, thì việc tu theo Thiền Tông học mới có kết quả tốt được, đây là điệp khúc thứ hai
Khi cơ thể con người được quân bình Âm – Dương rồi, có những trạng thái như sau:
– Nghe an vui.
– Nghe người yêu đời thêm.
– Không bộp chộp.
– Không tranh cãi.
– Không thích hơn thua.
– Không ham thần quyền.
– Không sợ thần linh
– Không bày biện cầu kỳ.
– Không mê hoặc người khác.
– Không làm sai các kinh sách do Đức Phật dạy.
– Không đem tin lầm vào đạo Phật.
– V.v…
Đó mới chỉ là cân bằng Âm – Dương mà đã có những trạng thái như vậy. Chứ người đã nhận ra Phật Tánh của chính mình rồi, các sự việc trên sẽ tăng lên rất nhiều lần mà người đời bình thường không khi nào biết được.
Người tu theo Thiền Tông học họ xem các Nhà:
– Bác học.
– Khoa học.
– Triết học Đông phương.
– Triết học Tây phương.
Là những nhà trợ duyên giúp họ tìm về cái chân thật của vạn vật trước mắt.
Các Nhà nói trên, họ khẳng định duy nhất một điều, vạn vật trên Trái Đất này, tất cả đều là do duyên hợp mà có, khi hết duyên nó tự tan rã, chứ ngoài ra không có nguyên do nào khác.
Các vị ấy không ngồi tranh cãi:
– Con gà có trước hay là quả trứng có trước? Vì đây là câu hỏi rất sai lầm, thật là sai lầm! Cũng có thể nói:
– Câu hỏi ngớ ngẩn này, buộc người bị hỏi phải ngậm miệng, xem người hỏi họ không phải là người có học thức.
Còn về tinh thần của người tu theo Thiền Tông học mà nhận ra được Phật Tánh, họ có những ưu điểm như sau:
– THAM: Không bộc phát.
– SÂN: Không nổi dậy.
– SI: Không phát sinh.
– MẠNG: Không phát ra.
– NGHI: Không sanh.
– ÁC: Không trổi dậy.
– KIẾN: Không chấp thường cũng không chấp đoạn.
– V/v…
Nói tóm lại, tất cả những thứ trên họ cũng có, nhưng nó được nằm trong tâm Vật lý của họ, nhưng họ không sử dụng đến, nên các thứ trên không khởi.
Vì chỗ họ biết cái gì là của Phật Tánh, cái gì là của tâm Vật lý. Họ biết rõ ràng như vậy, nên con người họ rất thanh thoát. Người này họ có cái nhìn hết sức tuyệt mỹ, hết sức Khoa học, hết sức thực tế. Không tưởng tượng, không đề cao ai, không lệ thuộc vào ai, nhứt là không qùi lụy ai!
Nói tóm lại, họ nhìn cảnh đời xung quanh cũng như bao nhiêu người khác, có khác chăng, họ nhìn với đôi mắt không lầm lỗi, đôi tai không sai lệch, v.v…
Chớ đừng tưởng, khi nhận ra Phật Tánh rồi, họ sẽ có phép này, huyền cơ nọ, v.v… Đây là một sai lầm lớn của những người hiểu sai về Thiền Tông học Nhà Phật.
Những chuyện chúng ta thấy trong phim ảnh, là những chuyện tưởng tượng của đạo diễn ấy thôi. Họ làm phong phú để thỏa lòng trẻ con, còn chúng ta là người lớn, phải nhìn sự vật xung quanh bằng đôi mắt thực tế và Khoa học, mới phải.
 
 
TRÍCH: HÀNH ĐÚNG LỜI ĐỨC PHẬT DẠY CHẮC CHẮN ĐƯỢC GIẢI THOÁT (QUYỂN 3)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN