Vị thứ tư Ông Lầu Đà

Vị thứ tư:
Ông Lầu Đà từ chỗ ngồi đứng lên, đến trước Đức Phật, quỳ gối, trịch vai áo bên phải, chắp tay hỏi Đức Phật như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Còn thời gian ngắn nữa Đức Thế Tôn nhập niết bàn. Mới mấy ngày trước Đức Thế Tôn dạy Thanh Tịnh thiền, ông Xá Lợi Phất được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh” nên ông biết thật rõ ràng nơi Bể tánh Thanh Tịnh. Vì vậy, khi ông rời Thế Giới loài Người để trở về Bể tánh thì ông biết đường. Còn như chúng con chưa được rơi, khi hết duyên sống nơi Thế Giới loài Người, muốn vào trong Bể tánh thì làm sao chúng con biết đường, kính xin Đức Thế Tôn dạy chúng con?
Đức Phật dạy ông Lầu Đà:
– Này ông Lầu Đà, về ông Xá Lợi Phất được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh” là có nguyên do như sau: Từ vô lượng kiếp trước ông Xá Lợi Phất đã tạo ra rất nhiều Công đức mà ông không hề biết.
Vì sao vậy?
Vì hồi Đức Phật Thi Khí, Đức Phật Tỳ Xá Phù và Đức Phật Vô Biên Thân, đang giáo hóa Pháp môn Thanh Tịnh thiền, ông Xá Lợi Phất là một Phật tử có lòng thương người, ông nghe vị nào đến xin tiền ấn tống kinh ông đều ủng hộ. Trong ba đời Đức Phật này, số tiền ông Xá Lợi Phất góp cúng đó, giúp cho 426 người Giác Ngộ “Yếu chỉ Thanh Tịnh thiền”, 118 người đạt được “Bí mật Thanh Tịnh thiền” và 69 người được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh”.
Vì số Công đức quá lớn đó, nên đời này khi ông nghe Như Lai tuyên dạy Pháp môn Thanh Tịnh thiền. Ban đầu, ông chống đối mãnh liệt, nhưng vì số Công đức từ vô lượng kiếp trước, mà ông vô tình tạo ra được, nó được lưu vào cái vỏ bọc Tánh Phật của ông, đi theo dòng đời của ông đến đây. Vì vậy, khi Như Lai nưa nói Pháp môn Thanh Tịnh thiền này, là ông tự động được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh”.
Vì sao ông tự động được rơi?
Vì ông có số Công đức quá lớn này chứa trong vỏ bọc Tánh Phật của ông, nên khi ông vừa nghe Như Lai dạy Pháp môn Thanh Tịnh thiền, thì vỏ bọc tánh Người của ông Xá Lợi Phất bị rúng động, nên vỏ bọc tánh Người của ông Xá Lợi Phất tự động được mở ra, nên Tánh Phật của ông Xá Lợi Phất được tự do “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh” là vậy.
Còn ông muốn được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh”, để Như Lai nhìn ngược trở lại 1.500 đời trước của ông coi như thế nào rồi Như Lai sẽ nói cho ông rõ:
– Vào đời thứ 1.466 về trước, lúc này Đức Phật Trang Nghiêm Tôn đang giáo hóa Pháp môn Thanh Tịnh thiền. Ông là một cư sỹ đang làm quan ở địa phương, khi Đức Phật Trang Nghiêm Tôn đến đại phương ông, ông có tổ chức buổi tiệc trai cho Đức Phật Trang Nghiêm Tôn, nên ông có 1 phần Công đức và 1 phần Phước đức. Do vậy, đời này ông mới gặp chánh pháp Thanh Tịnh thiền. Còn phần ông muốn được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh” thì không thể được.
Vì sao vậy?
– Vì bất cứ ai muốn được tự động “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh”, thì người đó phải có Công đức thật lớn như ông Xá Lợi Phất thì mới được rơi.
Còn những người sống mà không có vị Phật đang trụ thế, thì người đó cũng được vào “Bể tánh Thanh Tịnh” với 4 điều kiện thật may mắn như sau:
1- Dòng thiền Thanh Tịnh đang lưu hành nơi người đó ở.
2- Phải thọ nhận được Pháp môn Thanh Tịnh thiền.
3- Phải được truyền “Bí mật Thanh Tịnh thiền”.
4- Phải có được một phần Công đức ít hoặc nhiều.
Ông Lầu Đà lại thưa hỏi Đức Phật:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Như vậy, những người tu theo đạo của Đức Thế Tôn mà họ không tu theo Pháp môn Thanh Tịnh thiền, họ có được vào sống trong Bể tánh Thanh Tịnh không, kính xin Đức Thế Tôn dạy chúng con?
Đức Phật dạy ông Lầu Đà:
– Này ông Lầu Đà, những người tu theo đạo của Như Lai mà không biết Pháp môn Thanh Tịnh thiền, thì họ không vào sống với Mười phương chư Phật được, dù có dụng công tu Thiền theo kiểu gì và hành Thiền ra sao, 5 hay 10 ngàn đời cũng không vào được.
Vì sao vậy?
– Vì họ tu theo Vật lý phải có thành tựu theo chiều Vật lý như:
1- Dụng công tọa thiền Quán Tưởng, Cầu Mong, thì họ được thành tựu trong Quán Tưởng, Cầu Mong mà họ ham muốn.
2- Dụng công tọa thiền, để cho dòng tâm thức chảy ra những vần thơ, văn thật hay để đi dạy lại người khác kiếm tiền, thì họ được thành tựu trong sự ham muốn của họ.
3- Dụng công tọa thiền để Nghi, Tìm và Kiếm những bí ẩn trong vật chất, để đem bán những thành tựu của mình để kiếm tiền, thì họ cũng được thành tựu rất dễ.
4- Dụng công ngồi mơ tưởng cảnh đẹp, để mong đến nơi cảnh đẹp và sống ở nơi đó, thìhọ thành công rất dễ.
5- Dụng công ngồi thiền để thu Điện từ Âm Dương vào thân và tâm Vật lý của mình, sau cùng sử dụng cái Tưởng trong Tánh Người để điều khiển cho vật chất trước mặt mình bay đi nơi khác. Mục đích người tu theo Pháp môn này là để dụ nhiều người đến với mình, để móc túi tiền của họ.
Vì 5 nguyên lý nói trên, nên Như Lai trả lời thật rõ cho ông biết: Nếu không tu theo Thanh Tịnh thiền thì dứt khoát không vào Bể tánh Thanh Tịnh được.
Những vị nghe Đức Phật dạy, hết sức vui mừng và hiểu thật rõ 2 phần như sau:
1- Ai tu hành, tức sử dụng thân và tâm Vật lý để tu là còn bị Luân hồi hoặc đi vào con đường số 7.
2- Ai tu tập, tức Thấy, Nghe, Nói, Biết bằng Tánh Phật của mình và biết tạo ra Công đức nữa, thì chắc chắn sẽ được trở về Bể tánh Thanh Tịnh sống với Mười phương chư Phật.
Tất cả những vị có mặt đồng thanh cảm ơn Đức Phật và lạy tạ lui ra.
 
 
TRÍCH: SÁCH TRẮNG THIỀN TÔNG (QUYỂN 9)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN