Có 4 vị hỏi

7/- Có 4 vị hỏi:
Vị thứ nhất: Ông Nghĩa, ngụ góc đường Bình Tiên và Bãi Sậy, quận 6, Tp. Hồ Chí Minh, có hỏi:
Câu 1: Trẻ Sơ sinh có Phật Tánh không?
Câu 2: Nếu nói tu là để nhận ra Phật Tánh của chính mình. Như vậy, khi mình nhận ra Phật Tánh của mình rồi. Mình có trở lại làm trẻ sơ sinh nữa không?
Đáp cho vị thứ nhất là ông Nghĩa ở góc đường Bình Tiên và Bãi Sậy:
Câu 1: Trẻ sơ sinh có Phật Tánh.
Câu 2: Câu này, ông hỏi như vậy, ông không hiểu rõ lời của Đức Phật dạy trong tất cả các kinh Tiểu thừa và Đại thừa nên mới hỏi như vậy.
Tuy nhiên, để ông hiểu rõ câu này, chúng tôi xin thuật lại lời hỏi của ông cư sỹ Liên Trường Ẩn hỏi Đức Phật và được Đức Phật trả lời ý nghĩa này như sau:
Ông Liên Trường Ẩn ngạo nghễ hỏi Đức Phật:
– Xin hỏi Đức Thế Tôn: Người đã nhận ra Phật Tánh của mình rồi, sống với Phật Tánh ấy, chừng nào trở lại sống với Tánh người của mình nữa?
Ông Liên Trường Ẩn hỏi, mà giọng của ông rất là cao ngạo!
Đức Phật dạy:
– Này ông cư sỹ Liên Trường Ẩn: Sao ông đem lời Phàm phu của ông mà hỏi Như Lai như vậy?
Ông có biết tại sao Như Lai gọi ông là Phàm phu không?
– Như Lai nói cho ông biết: Sở dĩ Như Lai nói ông là Phàm phu là để cứu mạng ông đó.
Cứu mạng ông như thế nào?
Ông phải biết 2 phần:
– Phần 1: Như Lai dạy người tu hành có thành tựu trong vật lý, thì người hỏi như thế nào cũng được, không bị gì hết, kể cả chửi Như Lai cũng không sao.
– Phần 2: Còn khi Như Lai dạy pháp môn “Như Lai Thanh Tịnh thiền”, là giúp cho ai muốn Giác Ngộ và Giải Thoát đến học. Nhưng khi đến học, thì phải tuân thủ nghiêm ngặt 2 điều:
– Điều 1: Muốn Giác Ngộ và Giải Thoát ở lại nghe, còn không, thì đi nơi khác.
Điều 2: Nếu có thắc mắc điều gì, thì phải nghiêm chỉnh, đầy đủ lễ nghi, thưa hỏi.
– Còn hỏi mà có Tánh cách kêu ngạo hay ngạo nghễ, hoặc khinh chê Như Lai, thì bị Thần Kim Cang, là vị Thần có bổn phận hộ trì chánh pháp Như Lai Thanh Tịnh thiền, đánh bật cái khinh chê, ngạo nghễ hay phá trở lại nơi người khinh chê hay phá đó. Nếu nhẹ, thì cũng bị thương; còn nặng, thì bị mất mạng!
Vì lý do này, nên Như Lai mới nói ông là Phàm phu, là để cứu mạng ông đó. Đức Phật vừa nói đến đây. Vị Thần Kim Cang liền xuất hiện và đưa chài Kim Cang lên định đánh tiếng kêu ngạo của ông cư sỹ Liên Trường Ẩn. Đức Phật liền đưa tay lên ngăn cản không cho Thần Kim Cang đánh.
Ông cư sỹ Liên Trường Ẩn nhìn thấy vị Thần Kim Cang đưa chài Kim Cang lên định đánh tiếng hỏi kêu ngạo của mình trả lại cho mình. Ông liền sụp xuống quì lạy Đức Phật và nói:
– Kính thưa Đức Thế Tôn, con xin sám hối lời hỏi xúc phạm đến Đức Thế Tôn. Ông vừa nói vừa khóc và liên tục lạy Đức Phật.
Đức Phật bảo:
– Hôm nay, ông thấy rõ qui lực của vị Thần Kim Cang rồi chứ. Nhiệm vụ của Như Lai là dạy cho loài người ai muốn Giải Thoát để trở về “Quê hương chân thật” của mỗi người thì đến nghe Như Lai dạy, còn không thì thôi, ở nơi Thế Giới này, ai muốn cầu xin lạy lục người khác thì cứ tự nhiên, chứ Như Lai không ngăn cản.
Như Lai nói cho ông biết rõ thêm: Mỗi vị Phật đều có vị Thần Kim Cang bảo vệ, nếu có ai xúc phạm, thì bị vị Thần này đánh trả cái khinh chê hay xúc phạm của người đó, trả lại cho người đó. Ông nên biết: Lực đánh trả của vị Thân Kim Cang nếu vào người nào, thì người đó khó mà sống sót được!
Ông Liên Trường Ẩn, nghe Đức Phật nhắc lại lần thứ hai về nhiệm vụ của vị Thần Kim Cang, ông liền sụp xuống quì lạy tiếp Đức Phật liên tục nữa.
Đức Phật nói với ông:
– Thôi, ông lạy Như Lai có lợi ích gì. Cái thiết thực của ông là ông có thật tình ăn năn sám hối hay không, nếu ông thật tình ăn năn sám hối, thì ông có 2 đường lựa chọn:
Một: Rời ngay chỗ này và xin lỗi Thần Kim Cang và nói:
– Xin Thần Kim Cang chứng cho tôi, tôi xin rút lại lời nói kêu ngạo của tôi và tôi xin chân thành ăn năn, sám hối những lời mà tôi nói với Đức Thế Tôn, xin Thần Kim Cang chứng cho tôi. Khi ông nói xong, hãy rời đây ngay.
Hai: Còn nếu ông muốn ở lại nghe lời chân thật của Như Lai dạy, nhưng ông phải nghe bằng cái Tâm vật lý Thanh Tịnh của chính mình, thì mới hiểu lời dạy của Như Lai dạy được.
Đức Phật vừa dứt 2 câu, ông cư sỹ Liên Trường Ẩn, liền quì lạy tiếp Đức Phật và trình thưa:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Một lần nữa, con xin sám hối cùng Đức Thế Tôn, xin cho con ở lại nghe lời chân thật của Đức Thế Tôn dạy đại chúng và con?
Đức Phật dạy:
– Nếu ông tha thiết muốn nghe lời chân thật của Như Lai dạy, thì ông hãy nghe bằng cái tâm Thanh Tịnh của chính mình.
Vì sao Như Lai bảo ông như vậy?
– Vì tâm của ông, Thanh Tịnh, thì ông mới tiếp nhận được lời chân thật của Như Lai dạy được. Khi ông nghe bằng tâm Thanh Tịnh, thì ông được rõ 2 phần như sau:
Một: Ông biết sự sống trong Phật giới là do Điện từ Quang duy trì và bảo quản. Điện từ Quang là loại Điện từ không có Âm Dương, mà chỉ có rung động nên không có luân hồi. Vì không luân hồi nên không có sanh tử. Vì vậy, chư Phật sống trong Phật giới được gọi là “vô sanh”.
Hai: Còn nơi trái đất này là do Điện từ Âm – Dương bảo quản và luân chuyển theo chu kỳ: Thành – Trụ – Hoại – Diệt! Gọi là luân hồi: Vì luân hồi nên không vật gì đứng yên một chỗ.
Đức Phật dạy thêm:
– Người tu theo Đạo Giải Thoát của Như Lai, phải hiểu rõ 2 phần nói trên, thì mới hiểu rõ như sau:
Sử dụng Thân và Tâm duỵên hợp của con người để “tu hành” là có thành tựu trong quy luật vật lý, tức còn bị luân hồi.
Còn không sử dụng Thân và Tâm duyên hợp của vật lý, mà chỉ nhận ra Phật Tánh Thanh Tịnh của chính mình, tập sống với Tánh Phật của chính mình. Khi được thuần thục là mình được tự tại, cũng được gọi là tự do; còn ông muốn vuợt ra ngoài vòng sanh tử luân hồi của Thế Giới này, duy nhất ông phải biết tạo ra Công đức, thì tự nhiên ông nhìn thấy được 6 nẻo luân hồi và thấy được 2 cửa:
1/- Cửa Hải Triều Âm: Cửa này chuyên hút Phật Tánh nơi Bể Tánh Thanh Tịnh Phật giới, vào trái đất này, đầu tiên là làm 1 con người, sau đó phải đi luân hồi trong tam giới này, khi hết chu kỳ sẽ thành là 1 Kim Thân Phật.
2/- Cửa Hải Triều Dương: Cửa này chuyên đẩy Tánh Phật và khối Công đức, từ Thế Giới loài người trở về Bể Tánh Thanh Tịnh Phật giới.
Trong các kinh Như Lai thường dạy như sau:
– Tri Kiến lập tri, tức Vô minh bổn.
– Tri Kiến bất lập Tri, tức Tánh Niết Bàn.
Khi ông Tu tập như vậy, vào sống được với Tánh Phật Thanh Tịnh của chính ông rồi, ông biết tạo ra Công đức nữa, thì ông mới thành là một vị Phật được.
Như Lai dạy cho ông rõ:
– Tánh Phật Thanh Tịnh của ông.
– Khối Công đức do ông tự tạo ra đó, nó nằm trong vỏ bọc Tánh Phật của ông, nên nó rất nặng. Vì vỏ bọc Tánh Phật quá nặng này, nên vỏ bọc Tánh người không chịu nổi, đành buông Tánh Phật ra. Nên Tánh Phật của ông nhìn được rõ ràng cảnh vật xung quanh bằng Tánh Phật. Nhờ vậy, Tánh Phật mới di chuyển đến ‘Trung tâm vận hành luân hồi” và nhìn thấy được 6 đường luân hồi và 2 cửa Hải Triều Âm và Hải Triều Dương.
Khi vỏ bọc Tánh Phật và khối Công đức của ông vượt qua cửa Hải Triều Dương. Tức khắc, vỏ bọc Tánh Phật của ông có mang khối Công đức, vừa qua cửa Hải Triều Dương, liền được ánh sáng Điện từ Quang trong Phật giới chiếu vào, thì cái vỏ bọc Tánh Phật có mang khối Công đức này, dần dần biến là “Ngôi Nhà Pháp Thân Thanh Tịnh”. Khi Ngôi Nhà Pháp Thân Thanh Tịnh được định hình xong, Tánh Phật của ông liền an trụ trong Ngôi Nhà này và tự hình thành ra “Một Kim Thân Phật”; Tánh Phật của ông là “Ông Chủ” Kim Thân Phật này cũng như Ngôi Nhà Pháp Thân này. Đến đây, một vị Phật “được sinh ra”, còn lớn hay nhỏ là do số Công đức của ông tự tạo ra nơi Thế Giới loài người.
Hình Phật của ông cấu tạo bằng 3 loại như nói trên, nên Như Lai cũng như chư Phật gọi “Kim thân Phật”, tức Phật bằng màu vàng. Khi ông đã thành Phật rồi, ông xem xét coi có cách nào ông trở lại làm người được không?
Nghe Đức Phật đặt câu hỏi với ông Liên Trường Ẩn, ông liền chắp tay trả lời Đức Phật như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Đức Thế Tôn đã giải thích quá rõ, nên một người đã thành Phật rồi, không trở lại làm người được.
Đức Phật bảo ông Liên Trường Ẩn giải thích nguyên nhân.
Ông Liên Trường Ẩn thưa trình cùng Đức Phật: Khi một người đã thành Phật rồi, tức Thân của vị ấy cấu tạo bằng: Công đức – Điện từ Quang – Tánh Phật. Ba thứ này không có lực hút Âm Dương, nên tồn tại hoài như vậy thôi.
– Còn xác thân của con người cấu tạo bằng: Tứ đại – Điện từ Âm – Dương – Tánh của con người – Khối nghiệp. Vì con người cấu tạo bằng 4 căn bản nói trên, trong đó có Khối nghiệp ham muốn, nên Điện từ Âm – Dương mới cuốn hút và kéo đi đến nơi Tánh người ham muốn, nên bị luân hồi. Ở Thế Giới luân hồi này, một vị đã thành Phật rồi, không thể vào Thế Giới này sống được.
Vì sao con nói được như vậy?
– Là vì con nhờ Đức Thế Tôn dạy con, và phân tích cho con rõ, nên tự nhiên con biết được rõ ràng như vậy.
Đức Phật nói với ông Liên Thường Ẩn:
– Đâu, ông đem vật gì nơi Thế Giới này ví dụ cho Như Lai nghe thử xem?
Ông Liên Trường Ẩn bạch cùng Đức Phật rằng:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Như ở Thế Giới này, vàng khi còn lẫn lộn trong quặng, được gọi là quặng vàng. Khi quặng vàng được nấu, vàng đã chảy ra thành khối vàng ròng rồi, thì khối vàng ròng này không thể trở lại thành quặng được.
Đức Phật khen ông:
– Rất phải!
Ông Liên Trường Ẩn bạch cùng Đức Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn, trước đây con là một tên “tội đồ ngỗ nghịch” nhờ Đức Thế Tôn Từ bi tha tội cho con, mà còn dạy cho con biết chân thật nơi Thế Giới này cũng như trong Phật giới, thật tình con rất ăn năn và sám hối cùng Đức Thế Tôn.
Ông vừa nói vừa khóc rất nhiều và lạy Đức Thế Tôn hoài mà không thôi!
Đức Phật dạy ông:
– Thôi, ông đừng lạy nữa, bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Lòng sám hối tha thiết và chân thành của ông Như Lai chấp nhận. Lời trình bày của ông với Như Lai, Như Lai xác nhận, hôm nay ông là người đã Giác Ngộ “Yếu chỉ Thanh Tịnh thiền”.
Ông Liên Trường Ẩn được Đức Phật thứ tội cho mình và còn xác nhận mình Giác Ngộ “Yếu chỉ Thanh Tịnh thiền”, ông hết sức vui mừng lạy tạ Đức Phật rồi lui ra.
Đức Phật liền quay sang ông A Nan Đà và nói:
– Này ông A Nan Đà: Lời dạy hôm nay của Như Lai dạy ông Liên Trường Ẩn, ông đã nghe rõ rồi đó, vậy ông viết vào quyển kinh Thủ Lăng Nghiêm để lưu lại cho hậu thế.
Ông A Nan Đà vâng lời Đức Phật và ghi đầy đủ trong kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Ban Quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu, xin đem câu chuyện này để trả lời cho ông Nghĩa, góc đường Bình Tiên và Bãi Sậy, quận 6, TP. Hồ Chí Minh.
Ban Quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu chúng tôi xin trình với ông:
– Nếu ông biết có vị nào dạy cao hơn lời của Đức Phật dạy cho ông Liên Trường Ẩn, thì xin ông cho chúng tôi biết để học hỏi thêm, xin cám ơn.
 
Vị thứ hai: Ông Lê Anh Tuấn, sanh năm 1969, cư ngụ TC 42, cư xá Phú Lâm A, phường 12 quận 6, TP. Hồ Chí Minh, hỏi:
1/-Tại sao người ăn chay cử: Hành, hẹ, tiêu, tỏi và ớt?
2/- Người tu theo Thiền Tông, khi ăn chay có cần cữ 5 thứ nêu trên không?
3/- Các chất trên cũng là thực vật, chớ đâu phải là động vật. Tại sao phải cử? Xin giải đáp giùm, cám ơn?
Đáp cho vị thứ hai:
Về ăn chay: Người tu theo Đạo Phật có 2 dạng người.
– Dạng người thứ nhất: Ăn chay, họ cử thịt, cá, chỉ ăn rau, củ, quả. Không dám giết hại động vật. Ý của họ là sợ Nhân – Quả nơi Thế Giới này.
Những người này, họ sợ mích lòng người khác, mà để phần thiệt về mình. Mục đích của họ là muốn rời Thế Giới này để đến nước Cực Lạc ở. Vì nước Cực Lạc rất vui tươi và Thanh Tịnh. Vì họ quan niệm như vậy, nên họ sợ: Hành, hẹ, tiêu, tỏi, ớt, là những thứ có chất cay và nồng, nếu họ ăn làm mất Thanh Tịnh của họ, nên họ cữ.
Còn có thuyết nữa, sở dĩ có: Hành, hẹ, tiêu, tỏi, ớt, năm thứ này là do thức ăn của quí thầy ăn bánh bao làm bằng thịt chó của bà Thanh Đề, là mẹ của ông Mục Kiền Liên đem dâng cúng. Khi quí thầy biết nên ói ra. Sau 3 ngày, chỗ ói ra này mọc lên 5 loại cây nói trên. Vì vậy, những người ăn chay không dám ăn 5 thứ cây này. Xét theo khoa học, thì thuyết này xếp vào loại mê tín. Tức tin lầm, cũng gọi là tin sai sự thật.
– Dạng người thứ hai: Tu theo pháp môn Thiền Tông, việc ăn uống họ chủ trương như sau:
– Một là ăn uống để quân bình âm dương, để cho cơ thể khỏe mạnh.
– Về đời: Họ phải lo trọn bổn phận của một công dân tốt.
– Về Đạo: Họ không đem mê tín dị đoan vào Chùa. Mục đích là giúp cho bất cứ ai muốn Giác Ngộ và Giải Thoát.
Chứng minh:
– Như vua Trần Nhân Tông tu theo pháp môn Thiền Tông. Khi giặc phương Bắc xâm lăng nước ta, Ngài cầm quân giết hết những kẻ xâm lăng để giữ yên bờ cõi. Ngài ra lệnh giết chết rất nhiều kẻ xâm lăng, sao Ngài được thành Phật.
Vua Trần Nhân Tông có nhắc lại lời dạy của Đức Phật:
– Khi gặp giặc phải giết giặc, nếu để giặc giết mình, thì lấy thân đâu mà tu thành Phật.
Vì vậy, Đức Phật có dạy như sau:
– Tu còn trong vật lý là yếm thế, tức cái gì cũng sợ, Vì vậy, nên mê tín dị đoan.
– Còn tu Thiền Tông là nhập thế. Trước, tự mình hiểu, tự giúp mình Giải Thoát. Sau, giúp cho nhiều người cùng Giải Thoát với mình.
 
Vị thứ ba: Ông Trần Tất Dũng, sanh năm 1952, tại Hà Nội, cư ngụ nhà số 475/14A, đường Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP.HCM. có hỏi:
1/- Hiện nay, rất nhiều người tập thể dục, dưỡng sinh, để chữa, trị bệnh và nâng cao sức khỏe, trong đó có các bài tập thể dục như:
– Tập võ.
– Thái Cực quyền.
– Thái Cực kiếm.
– Yoga.
– Phất Thủ quyền, của Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
– Thu năng lượng Trường sinh học.
– v..v.
Vậy, những người tu theo Thiền Tông, có thể tập những bài tập dưỡng sinh này không?
2/- Những người tu Thiền Tông, chẳng may nếu bị bệnh thì có thể nhờ người tập Trường sinh học chữa bệnh cho mình được không?
3/- Còn nếu biết về Trường sinh học, thì có thể chữa bệnh cho người khác được không?
4/- Tấm kiếng ở điều 25 của câu hỏi Thiền Tông là tấm kiếng ở trong nhà của người mất hay ở đâu?
5/- Tấm kiếng trong nhà của người mất, thường những vị thầy coi ngày giờ tốt xấu, họ yêu cầu người nhà của người mất che tấm kiếng bằng vải hay dán giấy để làm gì?
Đáp cho vị thứ ba:
– Người tập thể dục có 3 mục đích chánh như sau:
1/- Để cho máu lưu thông điều hòa.
2/- Các khớp xương không bị cứng.
3/- Bắp thịt được rắn chắc.
Nhờ 3 nguyên lý trên, nên: Nóng, lạnh của gió và nước khó xâm nhập vào cơ thể con người nên ít sanh ra bệnh.
Tập Dưỡng sinh, Thái cực quyền, Thái cực kiếm, Yoga, mục đích là để thân thể ít sinh bệnh.
Còn pháp môn thể dục “Phất thủ quyền” nói là do Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy là không phải.
Vì sao không phải?
– Vì pháp môn thể dục “Phất thủ quyền” này, là của Hòa thượng Đông Viễn dạy cho các võ sinh ở Chùa Thiếu Lâm. Mỗi khi tập võ xong, phải tập bài thể dục Phất thủ quyền này để chóng hồi sức.
Nói cho thật rõ hơn: Tổ Bồ Đề Đạt Ma không dạy võ, nhưng Ngài có tham gia vào võ Thiếu Lâm đề tài, Tổ dạy như sau:
– Các Thầy, dù có võ nghệ cao cường như thế nào đi chăng nữa, mà không biết 2 căn bản này, thì võ nghệ tuyệt cao đó, bị mất đi phân nửa phần công năng của nó. Muốn cho võ nghệ tuyệt cao của quí Thầy trọn vẹn. Quí Thầy đâu võ với đối phương bằng cái tâm vật lý của quí Thầy, lúc nào quí Thầy cũng trang bị tâm mình 2 phần như sau:
1/- Tâm bình thường không sợ.
2/- Kiên cường nhìn thẳng đối phương mà ra võ.
Đối phương thấy quí Thầy có ý chí như vậy, tự nhiên họ khiếp sợ, tinh thần họ tuột xuống 50%.
Nhờ diệu thuật nầy, mà võ Thiếu Lâm được vang dội khắp nơi. Cũng nhờ tiếng vang dội đó, cộng với võ Thiếu Lâm có đội ngũ tuyên truyền rất mạnh, nên võ Thiếu Lâm tự được xem là vô địch thời đó.
Thuật này, ở Việt Nam chúng ta, được Đức vua Trần Nhân Tông đem ra áp dụng triệt để, nên đánh đuổi quân Nguyên – Mông rất dễ dàng. Còn thời đương đại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta, Ngài có viết trong quyển “Binh Thư Việt Nam” có 4 câu đặc biệt như sau:
– Trong Binh thư Việt Nam không có chữ Sợ trong đó; mà trong Binh thư Việt Nam chỉ có:
– Thà hy sinh tất cả để cho Tổ Quốc trường tồn!
– Không tuổi nhục nào bằng tuổi nhục của người mất nước!
– Không xấu hổ nào bằng, làm nô lệ cho ngoại bang!
Văn thư Chân lý này, Việt Nam chúng ta có một Thiên tài là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết và đem ra áp dụng, kêu gọi toàn dân theo Người để cứu lấy Sơn Hà.
– Về Trường sinh học, đây là pháp môn mà Đức Phật dạy 1 trong 37 pháp quán của pháp môn Tiểu thừa. Mục đích của pháp môn này dụng công và sử dụng cái “Tưởng”của Tánh người, cho 2 dòng Điện từ Âm – Dương đang duy trì thân tứ đại của con người, luân chuyển mạnh hơn để làm thông các huyệt Đạo, để giúp người bệnh vượt qua cơn bệnh do tắt nghẽn mạch máu.
Pháp môn này, chánh của nó là sử dụng tâm duyên hợp của vật lý, để Quán và Tưởng Điện từ Âm – Dương đang duy trì cơ thể con người bình thường chạy mạnh và tràn khắp ra, như:
1/- Cho Điện từ Âm – Dương chạy vòng vòng cơ thể từ phải sang trái hay từ trái sang phải, quí Thầy gọi là “Chuyển luân xa”.
2/- Cho Điện từ Âm – Dương từ dưới chân hay từ nơi rốn chạy lên đầu tỏa lên, cơ thể nghe có 2 dòng chạy, quý thầy gọi là “Nhân điện”.
3/- Cho Điện từ Âm – Dương loan và tràn khắp châu thân, làm cho thân người sảng khoái, quý thầy gọi ỉà “Trường sinh điện”, gọi cho có văn hay một chút là “Trường sinh học”.
Nói tóm lại, thân và tâm vật lý của con người sử dụng Điện từ Âm – Dương duy trì cơ thể con người, có rất nhiều cách, chứ không phải có 3 cách nói trên đâu.
Nêu ông giúp người khác trị bệnh là tốt, nhưng phải nhớ một điều là, người tu theo pháp môn Thiền Tông có 3 mục đích chánh:
– Một: Giúp mình Giác Ngộ, tức hiểu biết rõ ràng quy luật của Thế Giới này.
– Hai: Tự mình phải thoát ra ngoài vòng Nhân – Quả Luân hồi nơi Thế Giới vật lý Âm Dương này.
– Ba: Giúp người khác hiểu như mình để có Công đức, chỉ có Công đức mới giúp mình Giải Thoát được.
Còn tất cả việc làm trong vật lý, giống như con Dã Tràng xe cát biển vậy thôi.
 
Vị thứ tư: Bà Trần Thị Hồng, sanh năm 1953, tại Sài Gòn, cư ngụ nhà số 475/14A, đường Hai Bà Trưng, phường 8, quận Ba. TP. HCM. có hỏi:
1/- Tượng hay hình của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, quảy trên vai chỉ có 1 chiếc giầy là ý nghĩa gì?
2/- Tôi tu Thiền Tông, mấy ngày qua, tôi có chứng bệnh như sau:
– Chao giao, giống như người bị rối loạn tiền đình nhẹ vậy.
– Giống như người bị say sóng nhẹ.
– Giống như người bị mất trọng lực.
– Cảm giác nhẹ như bong bóng, đứng ngồi không vững như muốn bay lên.
– Khi đo huyết áp thì bình thường. Tình trạng này là như thế nào, có ảnh hưởng gì đến tu tập Thiền Tông không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Mà cả 2 vợ chồng tôi đều bị như vậy?
3/- Mỗi buổi sáng tôi thường cắm nhang trên bàn thờ ông bà, nhưng không biết khấn lạy như thế nào, nên cứ cắm nhang mà thôi. Tôi làm như vậy có đúng hay sai, có thiếu sót gì không?
Xin cho ý kiến, cám ơn.
Đáp cho vị thứ tư:
Câu 1: Hỏi về Tổ Bồ Đề Đạt Ma quảy 1 chiếc giày ý nghĩa như thế nào. Hình hay tượng này, trước bà phải hiểu tổng quát về cuộc đời của Tổ, nên tìm đọc cuộc đời của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có viết đầy đủ trong quyển “Cuộc đời và ngộ Đạo của 36 vị Tổ Thiền Tông: Ấn Độ – Trung Hoa và Việt Nam”. Bà phải hiểu rõ pháp môn Thiền Tông học này, thì mới hiểu hình hay tượng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói trên được.
Ban Quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu chúng tôi xin nói rõ: Hầu hết, những nhà đắp tượng hay họa sỹ vẽ hình họ không hiểu ý nghĩa của Tổ, họ nghe những vị thầy giảng về Tổ Bồ Đề Đạt Ma, nhưng những vị thầy này họ không hiểu Thiền Tông, nên tưởng tượng ra nói. Đặc biệt, những vị thầy có danh tiếng nói ra, họ cho là đúng, nên ai cũng nghe theo. Vì Tánh của con người nó là như vậy, nên từ đời này đến đời khác cứ một mực như vậy mà làm.
Đức Phật dạy: Bất cứ ai, muốn hiểu rõ về hình hay tượng của Như Lai cũng như các vị Tổ Thiền Tông, ít nhất người đó phải đạt được “Bí mật Thiền Tông”, thì mới có cái hiểu đúng được, còn không hiểu về Thiền Tông mà giảng nói thì không khi nào đúng được. Vì chỗ này, mà mỗi người giảng giải theo sự tưởng tượng của mình. Thậm chí, có người xưng mình là Thiền sư, mà không biết tu Thiền Tông là tu làm sao.
Chúng tôi chứng minh phần này: Có vị tự xưng mình là Thiền sư mà giảng như sau:
– Nghiệp là do thói quen làm việc! Sai hoàn toàn.
– Kiến Tánh là nhận định! Không đúng một chút nào.
– Giáo ngoại biệt truyền, nói đông phải hiểu tây! Trật với văn hóa bình thường của người Việt Nam.
Chúng tôi phân tích: Tổ Bồ Đề Đạt Ma có hình hoặc tượng quảy một chiếc giày, quảy một cái túi, hoặc gánh hai cái bao.
Trên đây là những vị sử dụng cái Tưởng của mình để tưởng tượng ra nói và làm hay vẽ như vậy, tất cả đều không đúng sự thật việc làm của Tố Bồ Đề Đạt Ma.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma có nhiệm vụ là truyền pháp Thiền Tông về phương Đông. Ngài truyền pháp môn Thiền Tông học này sang phương Đông bàng một chiếc thuyền rồng lớn, có đoàn tùy tùng là 12 người, những vị này ai cũng biết hai song ngữ là Ấn Độ và Trung Hoa. Nhờ đó, mà kinh sách hay tập Huyền Ký của Đức Phật, được các vị dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Trung Hoa hết.
Để chi vậy? Để người Trung Hoa biết lời dạy của Đức Phật: Tu như thế nào còn bị luân hồi, tu như thế nào được Giác Ngộ và Giải Thoát. Một việc làm trọng đại như vậy, chẳng lẽ Tổ quảy có cái túi nhỏ, bỏ gì trong đó, một chiếc giày để làm gì.
Cũng nên nói rõ: Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền pháp môn Thiền Tông sang nước Trung Hoa rộng lớn. Ngài đi bằng Công Hàm và thuyền rồng, với tư cách là sứ giả của vua nước Ấn Độ, chứ không phải là ông Thầy tu bình thường. Vì vậy, Tổ mới mạnh dạn nói với vua Lương Võ Đế mà không sợ phạm tội “Phạm thượng khi quân”.
Khi hiểu câu chuyện này rồi, mới hiểu Tổ Bồ Đề Đạt Ma, từ nước Ấn Độ sang nước Trung Hoa không phải đi có 1 chiếc giày hay 1 cái bị, hoặc là 1 cái gánh.
Biểu tượng mà các Chùa thờ hiện nay, người nào hiểu Thiền Tông thì mới hiểu rõ hình hay tượng này.
Theo Thiền Tông:
1/- Quảy 1 cái bọc hay gánh 1 gánh là Tổ từ nước Ấn Độ sang nước Trung Hoa. Hình hay tượng này, tượng trưng là đem đi.
2/- Quảy 1 chiếc giày là tượng trưng đi về.
Đi về đâu?
– Đi về “Quê hương cũ” của chính mình là Bể Tánh Thanh Tịnh, tức trở về Phật giới. Phần này, có nhiều sách bảo là trở về nước Ấn, không thuận lý.
Đi về quê hương cũ bằng phương tiện gì?
– Bằng phương tiện là “Nhất tự thiền”. Chứng minh câu này của Đức Phật dạy như sau:
Thiền Tông là Nhất tự thiền
Đưa người Thanh Tịnh về miền quê xưa.
 
Câu 2: Người tu Thiền Tông có 2 dạng người:
Dạng người thứ nhất: Trước không tu gì, khi tu Thiền Tông thì không bị gì hết, hiểu biết và cảm nhận như sau:
1/- Biết rất rõ 2 phần:
Sử dụng thân tâm vật lý để tu hành, người này biết là có kết quả của vật lý, nên còn bị luân hồi trong tam giới.
Không tu hành hay tu tập gì cả, mà chỉ cần trực nhận 1 trong 4 thứ Tánh của mình: Thấy, Nghe, Nói và Biết Thanh Tịnh.
Người này tu theo pháp môn Thiền Tông không bị gì cả.
Dạng người thứ hai: Trước khi tu theo pháp môn Thiền Tông, họ đã tu các pháp môn khác như:
1/- Thiền Quán, Tưởng hay cầu mong.
2/- Lý luận, gọi là Triết lý.
3/- Nghi, Tìm hay Kiếm.
4/- Tịnh Độ tông.
5/- Mật Chú tông.
6/- Các pháp tu hành không phải của Đức Phật dạy.
Thì những người này phải qua các triệu chứng như sau:
1/- Nếu tu Quán. Tưởng hay cầu mong. Những người này vừa nghe đến pháp môn Thiền Tông là họ chê rồi. Vì sao vậy? Vì trong người họ có lực Âm cực mạnh, nên họ không tiếp xúc được pháp môn Thiền Tông học này. Nói tóm lại, người này không thích Giải Thoát, mà thích làm con và nô lệ cho người khác.
2/- Tu Lý luận, người này trong kho Tàng thức của ho chứa đầy Triết lý, nên họ không bỏ được. Do đó, pháp môn Thiên tông học này họ xem thường, nên vạn đời sau cũng chưa thích.
3/- Người tu thích Nghi. Tìm hav Kiếm trong vạn vật, người này không khi nào tiếp xúc được với pháp môn Thiền Tông học này, thì làm sao họ biết mà tu.
4/- Người tu Tịnh Độ Tông có 2 nhánh:
– Nhánh môt: Tu Tịnh Độ mà chuyên cần, tức không tin bất cứ pháp môn nào khác, thì chắc chắn họ không tu theo pháp môn Thiền Tông học này được.
– Nhánh hai: Tu Tịnh Độ mà còn thắc mắc về Giải Thoát. Nếu tu theo pháp môn Thiền Tông, thì thường gặp những ảo ảnh như sau:
– Ảo ảnh một: Ngồi chỗ vắng niệm Phật, khi tiếng niệm Phật được niêm mật và trôi chảy rồi, tự nhiên tiếng niệm Phật ấy, mình không niệm, mà tiếng niệm Phật vẫn được trôi chảy đi, thì tự nhiên tiếng niệm Phật ấy cứ niệm hoài. Nếu người dụng công thật là niêm mật, thì cái ảo giác sanh ra như có cả vùng hay cả Thế Giới đều niệm Phật theo mình vậy.
Vì sao có trường hợp này?
– Vì mình niệm Phật, dụng công đưa tiếng niệm Phật cho liên tục kết dính thành một chuỗi dài. Tức tự mình đẩy dòng Điện từ Âm – Dương luân chuyển rất nhanh. Khi mà dòng Điện từ Âm – Dương này nó đã đủ sức tự động chạy đi rồi, nó mang tiếng niệm Phật của mình chạy đi trùm khắp, nên có hiện tượng này.
5/- Tu Mật Chú tông có đến 3 nhánh:
– Nhánh 1: Người tu Mật chú mà đã niệm cho câu Thần chú chạy nhanh rồi, thì vị Thần “phụ trách” câu Thần chú này, có bổn phận là tuân theo câu Thần chú sai khiến, vị Thần này rất thích.
Vì sao vậy?
– Vì tất cả những vị Thần đều thích cảm giác luân chuyển nhanh. Do đó, người nào tu theo Mật chú mà đã thành tựu cao rồi, mà bỏ để đi tu pháp môn khác, thì vị Thần này không chấp nhận nên quậy phá người này.
– Nhánh 2: Người tu Mật chú, mà còn mong tìm đường Giải Thoát, có 3 cái bị:
Một là, bị vị Thần phụ trách câu Thần chú của mình niệm, quật cho mình té nhào để bỏ mạng.
Hai là, hành xác cho mình bị đau.
Ba là, chỉ hù dọa cho mình sợ thôi.
6/- Các pháp môn không phải của Đức Phật dạy, cũng gọi là các Đạo khác, như:
A/- Đạo Thánh: Người tu theo Đạo Thánh rồi, không tu theo pháp môn Thiền Tông được, số người tu theo Đạo Thánh mà muốn sang tu theo pháp môn Thiền Tông, 1 triệu người chưa chắc có 1 người tu được.
B/- Đạo Thần: Người tu theo Đạo Thần rồi, nếu muốn tu theo pháp môn Thiền Tông, cực kỳ khó. Mười triệu người, họa may mới có 1 người được mà thôi.
C/- Còn các thành phần khác: Đức Phật lắc đầu, Như Lai không nói ra.
Vì sao vậy?
Vì Đức Phật bảo: Những người này còn phải trả Nhân – Quả mà họ đã tạo ra thêm vô lượng kiếp nữa, mới tìm gặp pháp môn Thiền Tông học này được.
Nói tóm lại, theo những hiện tượng mà người tu theo pháp môn Thiên tông cảm nhận được có 2 phần riêng biệt như sau:
Một: Cảm nhận:
– Thân tâm Thanh Tịnh, như không có trọng lượng, an vui, hằng tri. Đó là cảm nhận được Tánh Phật Thanh Tịnh của chính mình.
– Thấy được Thần, Ma, Quỷ hay Cô Hồn.
Hai: Mình bị như sau:
1/- Thần: Thì đánh vào tai, thân hay đầu mình.
2/- Ma: Nhát mình.
3/- Quỷ: Xô đẩy hay kéo mình đi.
4/- Cô Hồn: Làm mình rung động nhẹ.
Vì sao có tình trạng này?
– Vì trước kia, mình thề thốt, cầu xin làm con của họ và lạy họ, mà nay mình bỏ họ để đi Giải Thoát, tức tự mình phản bội lại họ, nên họ làm như vậy là lẽ thường nơi Thế Giới Nhân – Quả vật lý Âm Dương này.
Như ở Thế Giới hữu hình này: Trước kia mình vào nhà người khác xin hầu hạ người ta. Chủ nhà rất tốt với mình, tự nhiên mình bỏ họ đi, tức mình không giữ lời hứa trước kia của mình với chủ nhà, thì chủ nhà tức nhiên phải chửi hoặc đánh mình vậy.

 
TRÍCH: NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 1 (QUYỂN 2)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN