Cô Lê Thị Thúy Vy hỏi

30- Cô Lê Thị Thúy Vy, nước Australlia hỏi
Cô Lê Thị Thúy Vy, sanh năm 1993, tại quận 5, TP. HCM, cư ngụ tại thành phố Melbourne, nước Australia, hỏi:
Trong kinh, thường hay nói đến:
– Sắc tức thị không.
– Không tức thị sắc.
Tôi có tìm hiểu và hỏi các vị thầy, nhưng thật sự tôi không hiểu nghĩa, xin Thầy giải thích để tôi được rõ thông, xin thành thật cám ơn?
Trưởng ban trả lời:
– Ý câu này thật tình rất nhiều nghĩa. Để dễ hiểu tôi xin rút gọn nêu hai ý nghĩa chánh như sau:
Một: Về vật chất thô mà chúng ta thường thấy, cái nhà không có, nhưng chúng ta xây dựng thành hình, chúng ta gọi là nhà.
“Không tức thị sắc”.
Vì lý do gì đó, nhà bị phá hủy hay bị cháy đi, không còn là cái nhà nữa.
“Sắc tức thị không”.
Hai: Về con người hay muôn động vật cũng vậy: Ban đầu không có, nhưng khi kết hợp Âm Dương bởi cha mẹ, mới có con người hay động vật.
“Không tức thị sắc”.
Khi hết tuổi thọ, hay vì lý do gì đó mà chết đi, đem đốt hay làm gì đó mà thể xác không còn.
“Sắc tức thị không”.
Ngoài ra, còn nghĩa sâu xa nữa mà Duy Thức Học trong Nhà Phật phân tích. Nó rắc rối lắm, không thể nói một vài câu mà rõ thông được, xin cô mua trọn bộ Duy Thức Học, đọc đi đọc lại nhiều lần, tự nhiên cô sẽ nhận ra nghĩa sâu mầu của chữ:
– Sắc tức thị không.
– Không tức thị sắc.
Chúc cô thành công.
Cô Lê Thị Thúy Vi hỏi tiếp:
– Xin Trưởng ban vui lòng giải đáp cho tôi thêm một câu nữa:
– Gia đình tôi luôn lúc nào cũng cầu khẩn việc này việc nọ. Không biết cầu khẩn như vậy có đúng theo lối tu theo Đạo Phật không?
Trưởng ban trả lời:
– Căn bản, hay nói đúng là hoài bão của Đức Phật ra đời là để chỉ cho chúng sanh biết: Ai ai cũng có Phật Tánh, trở về sống với Phật Tánh của chính mình, sẽ không còn bị đi trong sáu nẻo luân hồi nữa. Còn cầu xin có cảm ứng chứ chẳng phải không. Theo lý Thiền Tông thì Đức Phật không làm như vậy.
Vì sao?
Vì vị Phật nào cũng muốn cho chúng sanh trở về nguồn cội của chính mình. Nếu Phật chiều chúng ta, chẳng khác nào các Ngài làm sai lời nguyện của các Ngài sao?
Tuy nhiên, trong Nhà Phật có vị Bồ tát là Đức Quán Thế Âm, Ngài có nguyện lớn là, “Độ khắp Ta Bà Thế Giới”, ai gặp đại nạn, cầu khẩn Ngài, Ngài sẽ cứu giúp.
Vì sao Ngài làm được như vậy?
Vì Ngài tu thành tựu được “Nhĩ Căn Viên Thông”, nên Ngài nghe được niệm, hay tiếng kêu cứu của con người nơi địa cầu này.
Xin lưu ý cô ở chỗ này: Quỉ hay Thần cũng làm được việc này, nhưng họ chỉ làm được trong phạm vi nhỏ hẹp, nếu chúng ta đến chỗ thờ các Ngài, chúng ta cầu xin, chúng ta sẽ được các Ngài giúp thỏa mãn.
Vì sao các Ngài làm được việc này?
Vì khi chúng ta cầu Phước, Phước đó do đâu mà có?
Xin thưa, Phước mà chúng ta muốn có đó, là Phước của chúng ta đã tích luỹ từ các đời trước, hôm nay chúng ta cần xài, nên xin rút ra. Vì chúng ta không biết việc này, nên đến các nơi ấy nhờ các Ngài giúp, tự nhiên được thành tựu. Nhưng cái nguy hiểm việc cầu xin này là, vì chúng ta mơ mộng các Ngài giúp, nên tự nhiên chúng ta mời các Ngài về nhà để tôn thờ, vô tình mình tự nguyện làm người hầu kẻ hạ cho các Ngài!
Đức Phật dạy, chúng sanh ở Thế Giới loài người, nếu muốn tu Giác Ngộ và Giải Thoát, dễ hơn các loài Thần.
Vì sao dễ hơn?
Vì loài người, là nơi “Trung tâm” để đi các nơi trong 1 Tam giới. Cao nhất là loài trời Phi Phi Tưởng; còn thấp nhất là Địa ngục. Còn ở các loài Thần, không có đường Giải Thoát.
Cô Thuý Vi nghe Trưởng ban phân tích, cô khóc lúc nào mà không hay, vì cô đã thấu hiểu việc cầu xin nơi Thế Giới này. Tất cả những người có mặt ai ai cũng vui mừng vì biết sự thật việc cầu xin.
 
 
TRÍCH: NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 1 (QUYỂN 2)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN