Lời cám ơn của độc giả

Lời cám ơn của độc giả:
1-Ông Nguyễn Thái Phiên, sanh năm 1951, tại Đồng Nai, cư ngụ tại Tp. San Diego, Hoa Kỳ. Có viết như sau:
San Diego, ngày 19 tháng 9 năm 2009.
Kính gởi tác giả Nguyễn Nhân.
Tôi tên là Nguyễn Thái Phiên, Kỹ sư cơ khí, sinh sống tại đất Mỹ này từ năm 1992, tôi sắp về hưu, ông biết rồi đó: Người lớn tuổi luôn lúc nào cũng lo cho tuổi già của mình, gia đình, ba mẹ tôi là người theo Đạo Phật, nên tôi thường xuyên đi Chùa lễ Phật, cầu mong cho gia đình được mạnh khỏe.
Gần 20 năm tôi sống trên đất Mỹ này, suốt ngày đi làm việc như là cái máy, chỉ vì đồng tiền bát gạo, đi đây đi đó, khi tuổi đã về chiều, tôi mới giựt mình, nghe lời trong kinh Đức Phật dạy:
– Khi mất thân này khó mà tìm trở lại làm người được! Vì chỗ đó, tôi có đến các Chùa ở gần cũng như ở xa, kể cả tôi về Việt Nam hỏi những vị sư có tiếng tăm hỏi cách tu nào để không trở lại làm người nữa, nhờ đó để được Giác Ngộ và Giải Thoát, nhưng tôi đều thất vọng.
Đầu năm 2009, tôi có về Việt Nam, được người nhà mách là tác giả có xuất bản mấy quyển sách viết về Thiền học, trong đó có 2 quyển “Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ” và “Hành đúng lời Đức Phật dạy chắc chắn được Giải Thoát”. Tôi nghe lạ, nên có mua bốn quyển về đọc. Không ngờ, khi tôi đọc sách của tác giả viết, tôi như bị “lực hút của sách”, tôi đọc hết sức say mê, cứ đọc đi đọc lại như vậy đến 10 lần! Bất ngờ, tôi sáng được lý Thiền mà tác giả nêu do vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu giảng giải. Mừng quá, tôi không biết bày tỏ cùng ai, nên nay tôi viết thơ này: Trước, cám ơn tác giả. Sau, nhờ tác giả gởi lời tôi đến hỏi thăm sức khỏe vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu và cám ơn Thầy. Tiện đây, tôi xin trình bài thơ về sự tỏ ngộ của tôi, xin tác giả vui lòng nhận cho:
Thơ rằng:
Đạo Phật đơn giản lại cao sâu
Nhiều năm tìm kiếm hoặc xin, cầu
Nay nghe tác giả phân tích rõ
Nhận nghĩa Như Lai rất nhiệm mầu.

Mấy năm học hỏi quá nhức đầu
Sách cao, sách thấp, chẳng thấy đâu
Chỉ bỏ sáu “đô ” mua bốn quyển
Nhận được chân tâm chẳng cần cầu.

Duyên lớn của tôi chỉ ngước đầu
Nhìn về nước Việt thấy hạt Châu
Phước tôi sao lại lớn lao thế?
Chỉ ít tiền nhận được đại Châu.

Từ nay tôi “bị mất” khổ sầu
Cũng nhờ tác giả nêu mấy câu
Mỹ Châu lúc nào tôi cũng nhớ
Quê hương nước Việt có báu mầu.

Thú thật với tác giả: Mỗi lần tôi ngâm bài thơ này là tôi khóc! Vì phước lớn của tôi không biết có từ lúc nào, mà nay tôi có duyên đọc được sách viết về Thiền Tông học này quá tuyệt diệu như vậy!
Bài thơ 16 câu nói trên, chúng tôi có trình với Thiền gia Chánh Huệ Phong, Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu, được Trưởng ban quản trị công nhận là ông Nguyễn Thái Phiên đã Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông” mà ngộ rất sâu, cũng có thể nói: Ông Nguyễn Thái Phiên đã vào được cửa “Bí mật Thiền Tông” rồi vậy.
Phần chúng tôi có bổn phận là thông báo cho ông ấy về lời công nhận của vị Trưởng ban, và được Trưởng ban cấp giấy chứng nhận Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông” cho ông. Một tháng sau, tôi được Trưởng ban báo là ông Nguyễn Thái Phiên được Chùa Thiền Tông Tân Diệu cấp giấy chứng nhận đạt được “Bí mật Thiền Tông”.
2- Ông Lâm Trọng Kính, sanh năm 1943, tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cư ngụ tại Tp. Reno, Nevada, Hoa Kỳ. Có thơ viết như sau:
Reno, ngày 6 tháng 11 năm 2009.
Kính gởi tác giả Nguyễn Nhân.
Tôi tên là Lâm Trọng Kính, Bác sĩ đa khoa. Tôi sống ở Mỹ lúc tôi mới 20 tuổi. Ai ai cũng vậy, cây có cội, nước có nguồn. Tôi là người Việt Nam, tuy sống ở Mỹ nhưng lúc nào tôi cũng nhớ đến quê hương, ông, bà, cha, mẹ tôi là người theo Đạo Phật.
Đức Phật có dạy:
– Dù người có học thức hay không.
– Người giàu sang hay bần cùng hèn hạ.
– Người quyền uy hay dân dã.
Đã sinh ra nơi Thế Giới này, bắt buộc phải bị luật Nhân – Quả chi phối.
Trong kinh Đức Phật có dạy:
– Chúng sanh nào muốn thoát ngoài vòng sanh tử để trở về “sống” với vô sanh, hãy tìm, nhận và hành theo lời dạy của Như Lai, nếu làm đúng sẽ được trở vê nguồn cội của chính mình. Lời dạy của Đức Phật quá rõ ràng. Tại đất Mỹ này, cũng như những nơi mà tôi đến, kể cả ở Việt Nam, tôi tìm thầy tu theo Đạo Phật xin các Ngài chỉ cho tôi nguyên lý ấy, và tôi cũng tìm đọc rất nhiều sách, nhưng không biết được “Công thức” để trở về nguồn cội của chính mình mà Đức Phật đã dạy.
Năm 2009, cậu út tôi có gởi cho tôi bốn quyển sách mà tác giả đã xuất bản: Có nói đến chỗ sâu mầu Đức Phật dạy. Tác giả có giải nghĩa rất rõ ràng, từ lời, từ ý và chứng minh theo Vật lý. Tôi đọc bôn quyển sách ấy, dường như tôi bị “lực hút” của sách, nên tôi đọc đi đọc lại trên dưới 10 lần. Một buổi chiều tôi đang đứng nhìn thác nước đang đổ, bỗng “Tánh Thấy” của tôi tự nhiên không dính với dòng chảy của thác nước, nghe người tôi vui lạ kỳ lắm, mà từ trước đến nay tôi chưa hề cảm nhận được. Liên tưởng đến những lời giải thích của vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu mà tác giả đã biên soạn lại. Tôi biết tâm mình tự nhiên không dính với cảnh mà vị Thầy đã dạy:
– Tâm cảnh không dính nhau là Giải Thoát!
Đây mới là Giải Thoát ngoài cùng Tâm của tôi. Tôi nhận định: Chắc có lẽ tôi đã “bước vào được sân Thiền Tông” rồi ư?
Không biết thổ lộ cùng ai, tôi liền nhớ đến tác giả, nên biên thơ này trình bày cùng tác giả với những vần thơ mộc mạc như sau. Xin tác giả hồi âm, tôi thành thật cám ơn:
Thơ rằng:
Tưởng rằng tánh Thấy ở xa
Mong sao tánh Thấy hiện ra bên ngoài
Mỏi mong tìm kiếm suốt ngày
Nào ngờ Tánh Thấy trước mày của ta.

Lòng từ của đức Thích Ca
Chỉ nơi kinh sách mà ta không tìm
Lên non xuống biển khắp miền
Nhìn Thấy thác nước biết liền ở ta.

Tâm Thấy sự thật không xa
Khi Thấy, chồng Thấy phải sa Luân hồi!
Tâm Thấy, “không Thấy”, là thôi
Luân hồi nhiều kiếp dứt rồi tại đây.

Con nghe lời dạy của Thầy
Thấy, tự nhiên Thấy, đừng bày mà chi
Tánh Thấy phải nhận tức thì
Tánh Thấy, Thanh Tịnh là đây Niết Bàn.

Bài thơ 20 câu lục bát này, chúng tôi có trình vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu, được vị Trưởng ban xác nhận là ông Lâm Trọng Kính đã Giác Ngộ “tánh Thấy” theo “Yếu chỉ Thiền Tông”, và chúng tôi liền báo cho ông Kính biết, ông hết sức vui mừng và cám ơn.
Một tháng sau, ông Kính được Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu cấp giấy cho ông đạt được “Bí mật Thiền Tông”.
3- Ông Từ Quốc Công, sanh năm 1955, tại quận 5 Sài Gòn, cư ngụ tại Tp. Bordeux, Pháp. Có viết thơ như sau:
Bordeux, ngày 10 tháng 9 năm 2009.
Kính gởi tác giả Nguyễn Nhân.
Tôi tên là Từ Quốc Công. Nghề nghiệp: Luật sư, cư ngụ tại Tp. Bordeux, miền Nam nước Pháp, lình cờ tôi đọc trên Website báo Tuổi Trẻ thấy tác giả có giới thiệu quyển sách viết về Thiền Tông học, tôi nhờ người nhà mua gởi qua. Tôi đọc, nghe lời lẽ trong sách viết rất thực tế, cũng có thể nói là rất khoa học. Tánh tò mò, tôi liền hành theo những gì mà tác giả nêu trong sách. Tôi hành Thiền: Tâm Thanh Tịnh, rỗng lặng và hằng biết, chỉ mới 3 ngày. Mười giờ đêm ngày thứ ba tôi đang ngồi, bỗng tâm tôi đột nhiên sáng lên, còn thân thể tôi nghe an vui kỳ lạ lắm mà từ trước đến nay chưa hề cảm nhận được.
Tôi mới tìm lại đoạn sách mà tác giả viết về phẫn “Ngộ tánh”. Kiểm tra lại, thực sự lúc hành Thiền, tôi cảm nhận đúng như lời tác giả đã ghi trong sách. Không phải là người tu theo Đạo Phật mà tôi đã cảm nhận được như vậy.
Nhận ra chỗ đặc biệt này, không biết nói với ai. Tôi nhớ đến tác giả, nên viết thơ này. Trước, trình bày chỗ cảm nhận của tôi. Sau, nhờ tác giả trình lại với vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu, coi sự cảm nhận của tôi thuộc về loại gì?
Sau đây tôi xin trình bài thơ về sự cảm nhận của tôi, xin tác giả vui lòng giúp tôi, thành thật biết ơn:
Xưa nay tôi nguyện, tôi cầu
Ngày, đêm, sáng, tối, lúc cầu, lúc xin
Thân tâm mỏi mệt nhức mình
Chẳng thấy gì lạ chẳng linh chút nào.

Thiền Tông đọc trước đọc sau
Tâm tánh yên lặng dâng trào huyền linh
Tự mình hiểu biết nơi mình
Tâm kia phát sáng tự mình biết thôi.

Không ai kiểm chứng lời tôi
Mong nhờ tác giả trình tôi với Thầy
Cớ sao tôi được như vầy?
Mong được vị Thầy chỉ rõ cho tôi.

Vì tôi hiện ở xa xôi
Mong nhờ tác giả vì tôi hỏi giùm
Ơn này tôi nguyện trọn mang
Phật tánh hiển lộ vô vàn biết ơn.

Bài thơ 20 câu lục bát này, chúng tôi có trình với vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu, được vị Trưởng ban xác nhận là ông Từ Quốc Công đã Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông” và đạt luôn “Bí mật Thiền Tông”.
Trưởng ban nói:
– Ông Từ Quốc Công không phải là người tu theo Đạo Phật, nhưng ông có duyên lớn với Đạo Phật, nên khi ông xem sách và hành Thiền Thanh Tịnh của Đức Phật dạy, ông đã ngộ Tánh, nhưng ông lại ngộ rất sâu và được xếp vào hàng đạt được “Bí mật Thiền Tông” thật là hiếm có.
Chúng tôi là người viết những lời do vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu giảng giải, giúp cho những người khác Giác Ngộ chỗ sâu mầu của Đức Phật dạy, chúng tôi cũng thấy rất vui. Sự việc, chúng tôi báo liền với ông Từ Quốc Công. Ông Từ Quốc Công hết sức vui mừng cám ơn Trưởng ban và cả tôi nữa.
4- Ông Trương Trọng Truyền, sanh 1948, tại Sa đéc, cư ngụ tại Tp. Boston, Đông Bắc nước Mỹ. Có viết thơ như sau:
Boston, ngày 18 tháng 11 năm 2009.
Kính gởi tác giả Nguyễn Nhân.
Tôi tên là Trương Trọng Truyền, Kỹ sư điện tử, cư ngụ tại Tp. Boston, miền Đông Bắc nước Mỹ. Đầu năm 2009, tôi có về Việt Nam, đến ông mua 4 quyển sách viết về Thiền học. Tôi đọc sách ông viết tự nhiên tôi có cảm giác kỳ lạ: Càng đọc, càng thấy mê say. Từ trước đến nay, tôi cứ tưởng tượng Đạo Phật chỉ biết gỏ mỏ, tụng kinh, làm rung động lòng người, đưa tâm hồn người tụng hoặc người nghe vào cõi hư ảo nào đó?
Còn những vị tu Thiền, các Ngài dạy những chuyện mơ hồ, đưa người tu vào chỗ hư ảo, không thật!
Đọc 4 quyển sách ông viết, tâm tôi được sáng tỏ, xóa tan những gì mà từ trước đến nay tôi tưởng tượng. Sách ông viết rất rõ ràng và mạch lạc, cộng với lời giải của vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu quá thực tế và khoa học.
Tôi có tò mò thực hành: “Tâm Thanh Tịnh, rỗng lặng, nhưng lúc nào cũng biết”.
Tôi chỉ thực hiện mới có 2 ngày, tự nhiên thân tâm tôi có chuyển biến. Tiếp tục tôi thực hiện thêm 5 ngày nữa, bỗng lúc 10 giờ đêm ngày thứ 7: Tâm tôi như sáng lên. Thân tôi nghe rất nhẹ nhàng, người như muốn rời mặt giường.
Tôi đi tìm đọc những đoạn sách mà ông viết, sao tôi thấy rất giống những gì ông nêu. Tình trạng thân tâm tôi cảm nhận được, không biết nói với ai, vì người ở đất Mỹ này, chủ yếu cầu nguyện là chánh; còn tu Thiền như ông nêu trong sách không ai thực hành. Tôi liền nhớ đến ông: Chỉ người viết ra sách mới giải thích được.
Tôi liền viết mấy lời này: Trước, kể cho ông nghe sự cảm nhận của tôi. Sau, xin ông giải thích hoặc hỏi giùm tôi với vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu về sự cảm nhận của tôi và cho tôi biết. Xin cám ơn ông trước.
Sau đây, tôi có 20 câu thơ thất cú diễn tả lại sự cảm nhận của tôi, xin trình ông:
Thơ rằng:
Vào Chùa hỏi các pháp tu Thiền
Quý sư dạy, bảo, coi chừng điên!
Kệ kinh chuông mõ là đủ lắm
Tu chi pháp ấy, bị não phiền!

Mấy lần thưa hỏi không ai chỉ
Quý Chùa hù doạ coi chừng điên!
Ngỡ rằng Thiền học nay đã mất
Bỏ đi mơ mộng pháp tu Thiền.

Tuổi già lần chót về Việt Nam
Nghe báo rêu rao bán sách Thiền
Mua sách Ông Nhân về đọc thử
Bỗng nhiên Giác Ngộ tuyệt môn Thiền.

Thơ này tôi gởi, mới ngủ yên
Cám ơn ông, tôi hết não phiền
Diễm phúc cho tôi nay nhận được
Lệ rơi! Tôi chứng tuyệt môn Thiền!

Khi tôi ngâm bài thơ này: Vợ và 3 đứa con tôi, kể cả những người bạn mà tôi biếu sách của ông viết cho họ đọc, họ cũng rưng rưng nước mắt, vì cảm động!
Lời tỏ bày của ông Trương Trọng Truyền, chúng tôi có trình với vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu, được vị Trưởng ban ghi nhận là ông Trương Trọng Truyền có duyên lớn nên đã Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông” và đạt luôn “Bí mật Thiền Tông”. Chúng tôi liền báo lại cho ông Trương Trọng Truyền biết.
Ông vô cùng cám ơn. Sau 1 tháng, ông được cấp giấy chứng nhận là đạt được “Bí mật Thiền Tông”.
5- Bác sĩ Trịnh Đình Quân, sanh năm 1935, tại đà Nẵng, cư ngụ tại Tp. Duck Ponds, Autralia. Có viết thơ như sau:
Duck Ponds, ngày 9 tháng 11 năm 2009.
Kính gởi tác giả Nguyễn Nhân.
Tôi tên là Trịnh Đình Quân, Bác sĩ Răng hàm mặt, tôi có vợ và 5 con, 3 gái 2 trai. Tôi xin kể cho ông nghe về trường hợp nhận được Đạo Thiền của tôi như sau:
Tôi có người bạn đồng nghiệp tên là Phạm Ánh Bằng, cùng tuổi với tôi. Bạn ấy thường về Việt Nam để thăm mấy đứa em, bạn ấy có mua của ông mấy bộ sách viết về Thiền Tông học 4 quyển. Bạn ấy nói: Đọc sách của ông đã hiểu rất sâu về Thiền Tông học mà Đức Phật dạy vào những năm sau cùng đời Ngài.
Thật tình, tôi không tin, tôi cũng thường xuyên về Việt Nam nhưng đâu có nghe ai nói là ở Việt Nam có ai bán sách viết về Thiền Tông học đâu? Hơn nữa, tên tuổi của ông hầu như không ai biết đến, mà viết sách Thiền cái gì? Những vị có tên tuổi viết sách mà tôi chưa hề nghe, thấy, ai đọc sách mà ngộ Đạo cả?
Cũng ngày đó, em ông ấy ở Việt Nam có gởi qua cho ông 10 bộ sách mà ông nhờ người nhà mua gởi qua, ông liền biếu cho tôi 1 bộ. Sự thật, lúc đầu tôi cũng miễn cưỡng nhận, chứ nhà tôi hiện giờ sách viết về Đạo Phật rất nhiều, nhưng tôi đọc vài trang rồi xếp lại. Những sách của bạn tôi tặng, tôi vừa thấy tựa sách tôi liền đọc, nhưng đọc rất hăng say, dường như tôi bị “lực hút của sách” là phải?
Tôi mới đọc quyển sách “Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ” và “Những câu hỏi về Thiền Tông” đến trang 24 do ông Trần Quế hỏi vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu giảng giải, bỗng nhiên tôi nhận được ý sâu mầu của Pháp môn Thiền Tông học. Tôi có kể cho ông bạn Phạm Ánh Bằng và vợ tôi cũng như 5 đứa con tôi nghe về sự “Ngộ Thiền” của tôi.
Ông bạn Phạm Ánh Bằng nói:
– Nhờ sách này mà tôi cũng “Ngộ Thiền” nên mới mua thêm để tặng cho anh và các bạn thân cùng tìm hiểu Đạo Phật. Vợ tôi, đứa con gái lớn và con trai kế cũng nhận được lý Thiền, còn 3 đứa sau lại không nhận ra. Mừng quá, nên tôi viết thơ này: Trước, cám ơn ông. Sau, nhờ ông gởi lời gia đình chúng tôi cũng như bạn tôi cám ơn vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu: Vì Thầy đã chỉ dạy cho nhiều người Giác Ngộ được Đạo, trong đó có tôi. Chúng tôi đã được hưởng phần quá lớn của Pháp môn Thiền Tông học này. Trước, chúng tôi xin cám ơn vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu. Sau, cám ơn ổng thật nhiều.
Tôi có trình thơ của Bác sĩ Trịnh Đình Quân với vị Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu. Vị Trưởng ban xác nhận là Bác sĩ Trịnh Đình Quân và số người nêu trên đã Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông”. Tất cả những người này được Chùa Thiền Tông Tân Diệu cấp giấy chứng nhận Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông”. Riêng Bác sỹ Trịnh Đình Quân được cấp thêm giấy chứng nhận đạt được “Bí mật Thiền Tông”. Sự việc này, tôi có thông báo cho Bác sỹ Trịnh Đình Quân. Bác sỹ hết sức cám ơn tôi.
Trưởng ban Quản trị Chùa có nói với tôi:
Người nào xem sách mà đạt được ý sâu mầu của Thiền Tông học, là người có phước duyên lớn. đời Mạt Thượng pháp này: Muốn Giải Thoát không phải dễ.
 
 
TRÍCH: KHAI THỊ THIỀN TÔNG (QUYỂN 5)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN