Menu
Trang chủ
Sách nghe - đọc
SÁCH NÓI THIỀN TÔNG
SÁCH ĐỌC THIỀN TÔNG
Video
GIẢI ĐÁP
GIẢI ĐÁP 2025
GIẢI ĐÁP 2024
GIẢI ĐÁP 2023
GIẢI ĐÁP 2022
GIẢI ĐÁP 2021
GIẢI ĐÁP 2020
GIẢI ĐÁP 2019
GIẢI ĐÁP 2018
GIẢI ĐÁP 2017
DIỄN ĐÀN
DIỄN ĐÀN 2018
DIỄN ĐÀN 2019
TRUYỀN THIỀN
TRUYỀN THIỀN 2022
TRUYỀN THIỀN 2020
TRUYỀN THIỀN 2019
MẠCH NGUỒN THIỀN TÔNG
Hỏi - Đáp
GIẢI ĐÁP THIỀN TÔNG ĐẶC BIỆT
HỎI ĐÁP THIỀN TÔNG
HỎI ĐÁP - TUYỆT MẬT
NHÓM NHÂN DÂN LÀM CHỦ
36 vị tổ và thơ
36 VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG
THƠ HAY THIỀN TÔNG
Hình ảnh
Thơ -kệ ngộ Thiền
Sức khỏe
Thế dục dưỡng sinh
Cẩm nang ăn uống
Sách nghe - đọc
Sách đọc Thiền tông
Một số câu hỏi thật cao
MỘT SỐ CÂU HỎI THẬT CAO MÀ TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY CHƯA AI HỎI:
1- Ông Lương Văn Hảo, sanh năm 1942, tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cư ngụ tại phường Phú Mỹ, quận 7, Tp. HCM, hỏi:
– Kính Trưởng ban: Tôi đọc sách của tác giả Nguyễn Nhân viết, thật tình quá hay, từ trước đến nay chúng tôi chưa thấy nơi nào đề cập đến. Tôi có thắc mắc như sau, xin Trưởng ban giải đáp cho, thành thật biết ơn nhiều. Câu hỏi như sau:
– Ngài A Nan Đà, là 1 trong 10 đệ tử lớn của Đức Phật. Ngài được mang danh là nhớ dai bậc nhất, cũng được gọi là người có cái đầu chứa đựng nhiều nhất, được biệt tài như vậy, sao không nhận được chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, nơi tâm mình mà phải đợi đến ông Ma Ha Ca Diếp dạy, ông mới ngộ Đạo và được truyền Thiền?
Trưởng ban trả lời cho ông Lương Văn Hảo:
– Thưa cụ Hảo, cụ hỏi được như vậy, chứng tỏ rằng cụ đã xem sách viết về Thiền học rất nhiều, nên hỏi đến chỗ cao xa như vầy.
Theo nguyên tắc Thiền học: Người nào muốn nhận ra “Yếu chỉ Phật ngôn”, người đó tâm phải ở trạng thái “Thanh Tịnh, nhưng phải hằng tri” thì mới nhận được. Còn Ngài A Nan Đà không Giác Ngộ Yếu chỉ Phật Ngôn là vì lý do như sau:
Tâm Ngài A Nan Đà như là cái kho chứa ngôn từ, chữ nghĩa, do đó, cái kho Thanh Tịnh của Ngài A Nan Đà bị các cái kiến thức của Trần gian này che khuất, nên không nhận ra được.
Ông Lương Văn Hảo hỏi tiếp:
– Thưa Trưởng ban: Đầu ông A Nan Đà như là một cái kho, cớ sao, sau này ông lại nhận được Yếu chỉ Phật ngôn nơi Ngài Ma Ha Ca Diếp?
Trưởng ban trả lời:
– Quả thật cụ hỏi rất hay. Đây là chỗ “Bí mật trong Nhà Thiền”, mà thường thường các vị Thiền sư hay những vị Thiền gia gọi là “Bí mật Thiền Tông”. Tôi trả lời cho cụ nghe đoạn này, cũng có nghĩa là tôi đem hết những “Bí ẩn Thiền” trong Nhà Phật “trao lại” cho ông, ông cố gắng nắm lấy, nhưng tôi có lời khuyên ông như sau:
– Người nào biết được chỗ cao tột này, không bừa bãi đụng đâu nói đó, thì coi chừng thân mạng mình đó. Vì vậy Đức Phật dạy: Người nào nhận được chỗ bí mật này, chỉ được phép nói lại cho người sau đây biết thôi:
– Người nào thật tình muốn biết chỗ sâu kín Thiền học để tu, thì mới được phép chỉ người này.
– Còn người học hỏi để công kích người khác, thì không được nói.
– Sở dĩ, hôm nay tại đây có 6 người, tất cả đều được truyền “Bí mật Thiền Tông”, riêng chỉ có mình ông là chưa được truyền Thiền. Nhưng vì ông có cái đặc biệt là nghiên cứu Thiền học rất sâu, hơn nữa, ông muốn hỏi để tu vượt ra ngoài Tam Giới. Do đó, tôi xin trả lời cho ông như sau:
– Tôi xin nhắc lại sự việc mà ông A Nan Đà đạt được “Bí mật Thiền Tông” như sau:
Ông A Nan Đà chậm rãi hỏi ông Ma Ha Ca Diếp:
– Bạch sư huynh: Như Lai trao cho Sư huynh Y Kim Lang, Bát ăn cơm và gói kệ Huyền Ký, còn có trao cho Sư huynh cái gì nữa không?
Ông Ma Ha Ca Diếp biết gã này không chịu sống với Tánh Phật của chính mình, mà sống với tánh Người tìm vớ vẫn bên ngoài. Ông Ma Ha Ca Diếp không trả lời, mà dùng thuật tiếng gọi để ông A Nan Đà nhận ra Tánh Phật Thanh Tịnh của chính ông, nên Ông Ma Ha Ca Diếp gọi thật lớn, cốt yếu để ông A Nan Đà không kịp suy nghĩ mà nghe bằng tánh Thanh Tịnh Phật tánh, nên ông gọi:
– Này ông A Nan!
A Nan:
– Dạ!
Ông Ma Ha Ca Diếp nói:
– Ông coi chừng cây phướn trước Chùa ngã!
Ông A Nan Đà không kịp suy nghĩ liền dạ, cái dạ không suy nghĩ đó, tự nhiên ông A Nan Đà được “Rơi vào chỗ Thanh Tịnh Phật tánh” và sống trong Phật tánh rất lâu. Khi ông A Nan Đà trở lại sống với tánh Người của chính ông, ông liền cám ơn ông Ma Ha
– Kính thưa Sư huynh: Nhờ sư huynh dùng diệu thuật tiếng gọi, nên đệ được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh”. Đệ sống trong đó rất lâu, bây giờ đệ mới biết trong “Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh” là nơi Mười phương chư Phật ở. Mục đích chúng ta tu Giải Thoát, là trở về đây.
Đệ nhớ lại ngày trước, sư huynh Xá Lợi Phất được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh” có trình với Đức Thế Tôn; Đức Thế Tôn ấn chứng cho sư huynh Xá Lợi Phất, nhưng đệ không cảm nhận được gì. Hôm nay, đệ được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh”, đệ mới biết rõ ràng.
Vì vậy, câu dạy của Đức Thế Tôn: Trong 49 năm thuyết pháp, Như Lai chưa hề nói ra 1 lời nào. Nay, đệ mới hiểu lời của Đức Thế Tôn nói câu ấy.
Ông Ma Ha Ca Diếp nói với ông A Nan Đà:
– Này ông A Nan Đà: Ông được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh”, trong ấy như thế nào, ông hãy nói lại cho Sư huynh nghe coi có đúng là ông được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh” không?
Ông A Na Đà không trình với Sư huynh mình trong Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh như thế nào, mà ông nói bài kệ 64 câu diễn tả sự đạt được “Bí mật Thiền Thanh Tịnh” của chính mình.
Bài kệ 64 câu như sau:
Đệ nghe tiếng gọi sư huynh
Nghe được như vậy lặng thinh nghe hoài
Tiếng Nghe đi khắp Trần ai
Tiếng Nghe vang rền đi khắp núi sông.
Lòng đệ trống rỗng như không
Tất cả Vật lý, đệ không thấy gì
Thiền Thanh sao quá diệu kỳ
Tánh Nghe Thanh Tịnh, không chi dính mình.
Vì vậy đệ cứ lặng thinh
Để cho mặc tình Vật lý trôi lăn
Bao năm đệ cứ lăn xăn
Đi tìm chân Tánh, lăn theo Luân hồi.
Huynh ơi, đệ đã ngộ rồi
Nghe trong Thanh Tịnh, Luân hồi không theo
Thiền Thanh “Bí mật” nghe theo
Nghe mà Thanh Tịnh, không theo Luân hồi.
Tánh Nghe Thanh Tịnh vậy thôi
Luân hồi nhiều kiếp liền thôi với mình
Đệ xin cám ơn sư huynh
Huynh dùng diệu thuật độ mình đệ thôi.
Xưa kia độ nghĩ xa xôi
Dụng công tìm kiếm, Luân hồi cứ theo
Huynh đưa đệ đến hiểm nghèo
Ép vào Thanh Tịnh, đệ “Rơi về nguồn”.
Rơi vào Thanh Tịnh lệ tuôn
Nhận ra những thứ không buồn chỉ vui
Đệ nay đã hết ngậm ngùi
Chỉ sống Thanh Tịnh và vui trong lòng.
Không cần cầu khẩn thần thông
Mà nhận kỳ diệu ở trong lòng mình
Chân thật cám ơn sư huynh
Phước đệ quá lớn, nhận thời Thiền Tông.
Phước lớn dù đầy núi sông
Cũng không sánh được Thiền Tông Phật truyền
Nhìn lại, đệ có đại duyên
Vì vậy, Phật dạy truyền Thiền cho em.
Hoa sen sáng rực hơn đèn
Trước kia không biết, tìm sen tu Thiền
Đệ nay đã hết đảo điên!
Sư huynh truyền Thiền làm Tổ thứ hai.
Hôm nay đệ nhận căn tai
Nhận được cười hoài như Di Lặc vui
Huynh ơi, đệ rất mừng vui
Nhận được Tổ vị đệ vui rất mừng.
Đệ xin truyền tiếp không ngừng
Để môn Thiền học cùng còn Thế gian
Như vậy đệ mới được an
Nghe lời Phật dạy gian nan cũng đành.
Pháp môn Thiền học không tranh
Không tìm, không kiếm, không tranh được nào
Thiền Tông vị trước truyền sau
Để môn Thiền học không sao phai mờ.
Lòng đệ hiện tại bây giờ
Mong tìm được người, để chờ truyền sang
Vị nào nhận được bình an
Ngộ được Thiền học rõ ràng là thiêng.
Giúp người sau tiếp truyền Thiền
Đáp đền Đức Phật, đệ yên trong lòng
Lòng đệ mới được thong dong
Cũng nhờ huynh trưởng, diệu xong thuật truyền.
Đệ nay nhớ lại lời thiêng
Phật bảo truyền Thiền, đệ Tổ thứ hai
Hôm nay đệ ngộ căn tai
Pháp Thiền Thanh Tịnh còn hoài Thế gian.
Ông Lương Văn Hảo nghe Trưởng ban giải thích câu hỏi của mình, ông đã rõ thông, hết sức vui và cám ơn Trưởng ban. Những người có mặt ai ai cũng rõ thông câu hỏi này.
2- Cụ Triệu Thế Phương, sanh năm 1924, tại Thừa Thiên Huế, cư ngự tại Tp. Los Angles, Mỹ, hỏi:
– Đức Phật dạy nơi kinh Hoa Nghiêm: Trong 49 năm ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào. Sao những đệ tử lớn của Đức Phật kiết tập những lời của Đức Phật dạy, rồi viết ra thành những bộ kinh như hiện nay. Xin Thầy giải rõ ý Đức Phật nói là như thế nào?
Trưởng ban trả lời:
– Phần câu này Đức Phật nói: Người học kinh Nhà Phật phải hiểu căn bản có 2 ý “Tánh” và “Tướng” như sau:
– Về “Tánh”: Đức Phật nói là trong 49 năm ta chưa hề nói 1 câu nào: Đây là Đức Phật nói chỗ Tánh chân thật của mỗi người. Vì sao? Vì tánh chân thật của mỗi người nằm ngoài sự hiểu biết của tri thức Trần gian này. Không dùng ngôn ngữ của Thế Giới này mà nói đến được. Do đó, Đức Phật phủ nhận lời của Ngài, để mọi người nhận ra cái chân thật của chính mình, ai nhận ra được lời dạy này: Người đó hiểu lời Đức Phật dạy, tức ngộ Đạo, cũng gọi là Đức Phật chỉ cái “Tánh” chân thật của mỗi người, là không dùng ngôn ngữ của Trần gian này để nói.
– Về “Tướng”: Trong các kinh điển hiện giờ chúng ta được đọc: Các Ngài dùng những ngôn từ và hình ảnh của Trần gian này, để cho ai muốn tu theo lời của Đức Phật dạy, nương theo đó mà tu để được Giác Ngộ và Giải Thoát. Những quyển kinh giống như ngón tay chỉ Mặt Trăng vậy. Xin lưu ý cụ chỗ này: Cụ phải hiểu: Các kinh Nhà Phật hiện nay được xếp vào loại “Tướng” Thế gian. Vì đây là “Tướng Thế gian”, nên là phương tiện để cho chúng sanh hồi đó cũng như hiện nay, nương theo lời dạy của Đức Phật mà tu tập hay tu hành.
Tôi xin nói rõ:
– Cụ đừng cho kinh điển của Đức Phật dạy là chân lý mà chân lý, là thứ không dùng ngôn ngữ của Trần gian này nói đến được. Người tu đạt được chân lý rồi, chỉ cần mái động niệm thật nhỏ khởi lên thôi, là chân lý liền bị che khuất ngay!
Cụ Triệu Thế Phương, nhận được ý sâu mầu của Đức Phật dạy, ông hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.
3- Nhà văn Đinh Thắng Toàn, sanh 1952, tại Phú Thọ, cư ngụ tại thủ đô Matxcơva, Liên Bang Nga, hỏi câu rất đặc biệt:
– Kính Trưởng ban: Tôi xem sách của tác giả Nguyễn Nhân viết, nghe Trưởng ban giải thích về Thiền học rít đặc biệt. Tôi có 2 thắc mắc như sau, xin Trưởng ban giải thích cho, cám ơn:
– Người tu mà muốn Giải Thoát, chúng tôi chưa thấy sách nào đề cập đến, nhưng sao Trưởng ban khẳng định là nếu hành đúng theo sách chỉ dẫn sẽ được Giải Thoát, có chắc đúng như vậy không?
– Giác Ngộ: Hành đúng như trong sách viết có chắc chắn Giác Ngộ được không? Căn cứ vào đâu mà Trưởng ban khẳng định như vậy?
Xin Trưởng ban giải thích, thành thật cám ơn.
Nhà văn hỏi mà giọng rất gay gắt.
Trưởng ban trả lời:
– Kính thưa Nhà văn Đinh Thắng Toàn: Sự thật 2 câu hỏi của ông, người bình thường vừa nghe qua, như là rất khó; nhưng người hiểu về Thiền Tông học, hai câu hỏi Nhà văn lại quá dễ. Đối với Thiền học, vị nào nghiên cứu kỹ lời dạy của Đức Phật trong các kinh điển, nhất là kinh Đại thừa, thì 2 câu hỏi của ông rất dễ trả lời lắm.
Trưởng ban hỏi lại Nhà văn Đinh Thắng Toàn:
– Về Giải Thoát: ông hiểu như thế nào là Giải Thoát?
– Về Giác Ngộ: Nhà văn hiểu như thế nào?
Nhà văn Đinh Thắng Toàn nói:
– Giải Thoát là vượt ra ngoài sinh tử.
– Giác Ngộ là có thần thông.
Trưởng ban cười và nói:
– Hiểu như vậy là chưa nắm vững về Thiền Tông học của Nhà Phật, cũng như các kinh điển Đại thừa ông chưa hiểu. Tôi xin giải thích rõ cho ông hiểu:
Câu 1: Giải Thoát, theo Đức Phật dạy, gọi là không dính mắc. Tôi đưa ra ví dụ như sau:
– Bình thường, ông thích cái gì hay vật gì, không được thì buồn, còn được rồi thì phải giữ lấy, tức dính mắc. Nếu vật sỏ hữu của mình bị hư hay bị mất đi, mình rất buồn và sầu khổ.
Đức Phật dạy: Người tu theo Thiền Tông Nhà Phật: Đối với những gì mà mình sở hữu, còn thì mình sử dụng, một mai hay hoàn cảnh nào đó nó xa lìa, coi như là duyên số vật ấy ở với mình đã hết rồi vậy, cũng có nghĩa là tâm ông vô trụ đối với vật ấy, hay nói rõ hơn: Tâm ông không dính mắc với vật ấy, không dính mắc là đã Giải Thoát rồi. Khi người có tâm Giải Thoát, ở hoàn cảnh nào cũng rất an nhàn, thảnh thơi, đó là tu theo Đạo Thiền vô trụ, cũng gọi là Đạo Giải Thoát của Nhà Phật.
Câu 2: Còn Giác Ngộ: Ông hiểu như vậy đôi với Thiền Tông học lại bị sai nữa. Tôi xin trả lời như sau:
– Chữ Giác Ngộ là tiếng của người Trung Hoa, còn tiếng Việt Nam chúng ta gọi là hiểu biết, mà hiểu biết đến chỗ tận cùng của mọi sự, mọi vật, gọi là Giác Ngộ.
Phần nầy chúng tôi xin đưa ra ví dụ căn bản sau đây:
-Như có ai đó, bày chuyện này hay chuyện nọ, để nói lên một việc gì đó mà còn nằm trong sự cuốn hút của Vật lý Trần gian này. Người tu theo Thiền Tông họ nắm vững về nguyên lý trong Tam Giới này, nên họ biết người nói đó không nói đúng với lẽ thật, tức người này đã hiểu biết đến chỗ chân thật, cũng đồng nghĩa là người đó đã Giác Ngộ rồi. Xin nói thật rõ hơn: Giác Ngộ là hiểu biết, chứ không phải có thần thông.
Nhà văn Đinh Thắng Toàn lại hỏi thêm 2 câu:
Câu 1: Tôi thấy trong sách viết: Tu đúng theo lời của Đức Phật dạy sẽ được vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh, vậy lời này, sách nào ghi?
Câu 2: Nếu người đọc sách, mà hành đúng sẽ được thành công, có đúng như vậy không?
Trưởng ban trả lời:
Câu 1: Có nhiều kinh sách nói, nhưng tôi xin chứng minh nơi kinh A Di Đà, Đức Phật dạy: Niệm Phật từ 3 đến 5 hay 7 ngày mà tâm luôn lúc nào cũng nhớ đến Phật thì chắc chắn sẽ được thành tựu. Sở dĩ hiện nay người tu không thành tựu được là vì họ làm sai lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy.
Đức Phật Thích Ca dạy niệm Phật mà không chịu niệm Phật mà lại kêu tên Đức Phật A Di Đà!
Chúng tôi xin nói rõ:
– Niệm là nhớ; mà phải nhớ nơi mình.
Phật là giác, cái giác của chính mình.
– A Di Đà là Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng Công đức, là 3 cái vô lượng của chính mình.
Nếu chúng ta thực hành liên tục như 3 phần nói trên, không cần phải đến 3 hay 7 ngày; mà chĩ cần 1 ngày thôi, cũng có kết quả rồi. Sở dĩ, chúng ta tu hết năm này, hết tháng nọ, mà không được thành tựu là vì chúng ta làm sai lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: Không chịu quay lại nhớ ông Phật của chính mình, mà cứ cắm đầu kêu tên Đức Phật A Di Đà, thử hỏi, làm sao thành tựu được?
Câu 2: Phần này, chúng tôi cam đoan là sẽ thành công. Vì sao chúng tôi dám quả quyết như vậy? Vì Đạo Thiền Tông Đức Phật dạy sau cùng nơi cõi Ta bà này, là dẹp bỏ tất cả những Pháp môn tu hành nào mà còn bị vướng mắc của Trần gian này. Do đó, vị nào dám thực hành đúng sẽ có kết quả rất nhanh.
Xin lưu ý:
Người nào đọc sách Thiền mà bị “lực hút” của sách, chắc chắn vị đó không cần phải đọc 5 hay 7 lần, mà chỉ cần đọc 1 lần, hoặc lần thứ 2 là đã ngộ lý Thiền rồi.
Chúng tôi xin nói rõ về ngộ Thiền có các thứ bậc như sau:
– Đọc, mà hiểu chủ trương của Pháp môn Thiền Tông học, là không sử dụng bất cứ phương tiện gì trong Vật lý gọi là Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông”.
– Đọc, mà giải thích được tất cả các Pháp môn của Đức Phật dạy, cũng như những lời ẩn ý hay không ẩn ý của Ngài, gọi là đạt được “Bí mật Thiền Tông”.
– Vị nào được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh”, vị đó Đức Phật gọi là đã về được “Quê xưa của mình”.
Trên đây là 3 căn bản người tu theo Pháp môn Thiền Tông phải hiểu.
Nhà văn Đinh Thắng Toàn, nghe Trưởng ban giải thích quá rõ ràng, ông hết sức vui mừng và cám ơn.
4- Luật sư Lê Quang Chánh, sanh năm 1955, tại Vĩnh Long, cư ngụ tại quận 1, Tp.HCM. hỏi:
– Trưởng ban giải thích như vậy, người tu theo Pháp môn Thiền Tông không được tập trung đông người, nhưng sao hiện tại chúng tôi thấy có vị tập trung đông người, nói mình cũng dạy Pháp môn Thiền Tông, vậy Thiền Tông vị ấy dạy có đúng là Thiền Tông chân thật không?
Trưởng ban trả lời:
– Phần này tôi xin nêu rõ ràng để những vị muốn tu theo Thiền Tông muốn Giác Ngộ và Giải Thoát phải biết:
Đức Phật dạy:
– Riêng loài Người ở nơi Thế Giới Vật lý này, cấu tạo bằng tứ đại, ẩn trong tứ đại có 2 phần như:
– Phật tánh là nhân của tánh Người.
– Tánh Người bao phủ Phật tánh, mà tánh Người cấu tạo bằng 16 thứ: Thọ, tưởng, hành, thức, tài, sắc, danh thực, thùy, tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến. Ngoài cùng của 16 thứ tánh Người, được phủ lên 8 muôn 4 ngàn mầu sắc của Điện từ Âm – Dương nữa. Do đó, Tánh Phật khi Thấy, Nghe, Nói và Biết phải xuyên qua lớp thứ nhất là tánh Người. Sau đó, phải xuyên qua lớp thứ hai, là ảo giác của bóng Điện từ Âm – Dương. Vì vậy, bất cứ ai là con người, thì bắt buộc phải sống với tánh Người. Tánh Người gọi là tánh Phàm phu. Đã là Phàm phu thì làm sao biết chân thật được. Do vậy, người khôn thì bịa ra những việc không thật để lừa người ngu. Người ngu mới làm tôi tớ cho người khôn, đó là Quy luật của Thế Giới loài Người.
Do đó, Đức Phật dạy người tu theo Pháp môn Thiền Tông: Đầu tiên là phải hiểu 6 căn bản như sau:
Một: Phải biết tánh Người của mình là gì.
Hai: Tánh Phật cấu tạo ra sao.
Ba: Giác Ngộ là giác cái gì.
Bôn: Giải Thoát bằng cách nào.
Năm: Phải biết đường đi của Giải Thoát.
Sáu: Một vị Phật sanh ra như thế nào.
Người tu theo Thiền Tông Đạo Phật, nếu không biết căn bản nói trên. Ngồi đó dụng công tu 1 ngàn năm cũng ở yên tại chỗ. Bất cứ ai tu theo Thiền Tông tập trung đông người là có ý lừa người đến để họ cúng tiền và được danh, chớ không phải là dạy tu Thiền Tông thật.
Luật sư Lê Quang Chánh nghe Trưởng ban giải thích rõ ràng, ông hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.
5- Ông Lương Thái Tuệ, sanh năm 1951, tại Chợ Lớn, cư ngụ tại đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, hỏi:
– Tôi tu niệm Phật A Di Đà được 10 năm. Tình cờ, tôi có đọc sách viết về Thiền Tông học của tác giả Nguyễn Nhân. Thầy có dạy: Tu theo Thiền Tông, nếu ai mong thấy Đức Phật bên ngoài hiện nơi tâm mình là tà. Vậy, những người tu niệm Phật như chúng tôi, nếu khi niệm Phật mà thấy Đức Phật A Di Đà là tà sao?
Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu trả
– Đúng như vậy! Đây là lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nơi kinh Kim Cang.
Đức Phật dạy:
– Ai tu theo Đạo của ta:
– Thấy hình ảnh của ta (tức sắc) mà cầu ta.
– Nghe tiếng của ta (âm thanh) mà cầu ta.
– Người ấy hành Đạo tà!
– Không thấy Như Lai mà chỉ thấy ma!
Ông Lương Thái Tuệ, nghe Trưởng ban đọc 4 câu kệ trong kinh Kim Cang, ông liền Giác Ngộ và biết tu theo Đạo Phật.
Ông hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.
6- Cụ ông Lâm Quý Thanh, sanh năm 1929, tại Huế, cư ngụ tại Hóc Môn, hỏi:
– Tôi tu Mật Chú tông được 6 năm, mỗi lần dụng công niệm Mật chú được 10 phút, tôi nghe thân tâm mình rất an vui và thấy những cảnh trong tâm rất đẹp. Tôi thường hay khoe với những người bạn là tôi tu đã “đến cảnh giới ấy”. Ai cũng khen tôi là tu có kết quả theo Pháp môn Mật chú tông. Khi tôi được người bạn tên Trần Thế Lâm cùng tuổi, tặng mấy quyển sách của tác giả Nguyễn Nhân viết về Thiền Tông học do thầy giảng giải, con người tôi dường như bị đảo lộn tất cả. Hôm nay tôi xin hỏi thầy:
– Như vậy Pháp môn tu Mật Chú tông, chẳng lẽ là tu không đúng với chánh pháp của Như Lai dạy sao?
Trưởng ban hỏi lại cụ Lâm Quý Thanh:
– Cụ tu theo Đạo Phật mục đích chính của cụ là gì?
Cụ Lâm Quý Thanh trả lời:
– Tôi tu theo Đạo Phật cốt là để Giác Ngộ và Giải Thoát.
Trưởng ban hỏi tiếp:
– Cụ muốn Giác Ngộ cái gì và Giải Thoát cái gì?
Cụ Lâm Quý Thanh trả lời:
– Tôi muốn Giác Ngộ lời của Đức Phật dạy. Giải Thoát: Không còn bị ràng buộc trong sinh tử Luân hồi này nữa.
Trưởng ban nói:
– Cụ tu theo Đạo Phật mà cụ không chịu tìm hiểu kỹ coi tu theo Đạo Phật để được cái gì.
Đức Phật dạy:
– Phật tánh vốn là hằng Thấy, Nghe, Nói và Biết. Bốn thứ này Thanh Tịnh nên không bị Luân hồi. Còn tánh Người là tìm, kiếm những thứ trong Vật chất, đem về để thụ hưởng. Do vậy, bị dính mắc với vật chất, nên không Giải Thoát được.
Mục đích người tu theo Mật chú tông có 3 cái căn bản:
Một: Khi bị bệnh: Niệm câu Thần chú lấy trong kinh Dược Sư ra niệm. Tích Điện từ Âm – Dương vào thân, tâm của mình. Khi đầy, bủa ra chỗ đau, người bệnh được hết đau được vài ngày. Sau đó, bệnh lại tái phát. Muốn hết bệnh nữa, phải làm tiếp.
Hai: Ai bị bệnh, tà, ma, bùa, ngãi: Sử dụng câu Thần chú trong kinh Thủ Lăng Nghiêm để niệm, cũng làm như phần thứ nhất.
Ba: Ai bị bệnh buồn rầu: Sử dụng câu Thần chú của kinh Đại Bi, cũng làm như phần thứ nhất.
Nói tóm lại, pháp tu Mật chú tông, Đức Phật dạy cho 2 hạng người:
– Làm thầy để làm 3 việc nói trên.
– Người ngoài đời, thích có hiện tượng lạ.
Nói về Giải Thoát, hoàn toàn không Giải Thoát được. Vì sao vậy? Vì tu dính mắc với Vật lý mà Giải Thoát cái gì.
Vừa nghe Trưởng ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu giải thích pháp tu Mật chú tông, cụ Lâm Quý Thanh mới hiểu lối tu của mình không thể Giải Thoát được, nên cụ có trình với Trưởng ban như sau:
– Mấy mươi năm tôi dụng công tu Mật chú, đạt được những thành tựu mà tôi cho là quá cao siêu. Nay đến đây, nghe Trưởng ban nói Pháp môn tu Mật chú là còn đi trong Luân hồi của Vật lý. Nhờ vậy, tôi mới Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông”. Tôi trình 16 câu kệ ngũ ngôn để xin Trưởng ban kiểm chứng:
Mấy mươi năm tu Mật
Mới biết mình tu trật
Nhưng khoe mình tu hay
Trưởng ban chỉ sự thật.
Mới biết tu chật vật
Chỉ là lật đật tìm
Càng tìm càng thấy trật
Khổ cho Lão tu Mật.
Nghe Thầy nói mấy câu
Lão làm chuyện không đâu
Thiền Tông không cần quán
Cũng chẳng cần lạy cầu.
Tự mình chỉ trực nhận
Mới thấy được hạt Châu
Lão chân thành cúi đầu
Cám ơn Thầy chỉ dạy.
Vừa nghe xong bài thơ ngũ ngôn 16 câu của cụ ông Lâm Quý Thanh, Trưởng ban biết cụ đã Giác Ngộ “Yêu chỉ Thiền Tông”, và cụ đã đạt luôn “Bí mật Thiền Tông”, nên Trưởng ban nói với cụ Lâm Quý Thanh:
– Cụ có đại duyên đại phúc nên Giác Ngộ được “Yếu chỉ Thiền Tông” và đạt được luôn “Bí mật Thiền Tông”. Chúng tôi quyết định cấp liền cho cụ giấy chứng nhận Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông”, và 14 ngày sau chúng tôi sẽ cấp giấy chứng nhận cho cụ đạt được “Bí mật Thiền Tông” và chánh thức truyền Thiền Tông cho cụ.
Cụ Lâm Quý Thanh hết sức vui mừng cám ơn Trưởng ban.
7- Ông Trịnh Hoàng Kiếm, sanh năm 1943, tại Gò Công, cư ngụ tại Tp. Mỹ Tho, có thắc mắc như sau, nên hỏi Trưởng ban:
– Đức Phật dạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên núi Linh Sơn, khi Ngài đưa cành hoa sen lên cho mọi người xem, ai cũng ngơ ngác, duy chỉ có ông Ma Ha Ca Diếp nhận ra yếu chỉ lời của Đức Phật dạy. Chẳng lẽ 1.249 vị còn lại, trong đó có các đệ tử lớn của Đức Phật, như: Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Xá Lợi Phất, Ca Chiên Diên, v.v… là những vị tài giỏi, sao không nhận được ý sâu mầu của Đức Phật dạy?
Trưởng ban trả lời:
– Quả thật, câu hỏi của ông thuộc vào hàng cao tột trong Thiền học. Chúng tôi xin dẫn chứng các lý do như sau: Ông sẽ hiểu tại sao các vị là đệ tử lớn của Đức Phật và những người có kiến thức cao lại không nhận ra ẩn ý sâu mầu của Đức Phật dạy qua cành hoa sen:
– Vị nào muốn nhận ra ẩn ý của Đức Phật dạy qua vật có hình tướng. Vị ấy, phải luôn luôn lúc nào cũng phải sống trong Phật tánh Thanh Tịnh của chính mình; sống liên tục được như vậy, tự nhiên tánh Người của người ấy, bất ngờ nhận ra Tánh Phật Thanh Tịnh của chính mình.
Khi đã sống trong cái Thanh Tịnh Phật tánh của chính mình rồi, thì mình mới thật sự là thấy Tánh (tức kiến Tánh). Vì ông Ma Ha Ca Diếp đã sống trong cái Thanh Tịnh của chính ông liên tục. Nhờ vậy, khi Đức Phật vừa đưa cành hoa sen lên ông thấy bằng tánh Thấy Thanh Tịnh của chính ông, nên ông lập tức cười.
Phần này, cụ nên tìm đọc quyển “Cuộc đời và ngộ Đạo của 36 vị Tổ sư Thiền Tông Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam, chúng tôi có giải thích rõ ràng.
Tôi xin nói cho cụ rõ người sống trong Thanh Tịnh của chính mình thì có mấy thứ như sau:
1- Không hơn thua. Vì sao vậy? Vì là Thanh Tịnh nên 16 thứ tánh Người không khởi lên.
Khi sống hoàn toàn trong Thanh Tịnh thì có cái lợi: Tất cả những việc bên ngoài dù có đến với mình, coi cũng như không có. Tuy không có mà lại diệu dụng vô cùng. Tôi đưa ra sự việc như sau:
– Hồi Đức Phật còn tại Thế, Đức Phật được vua Ba Tư Nặc mời đến Hoàng cung để cúng dường. Vua Ba Tư Nặc mãi mê đánh cờ với các thầy tu tà Đạo, nên quên đi việc cúng dường của Ngài. Người giữ ngựa thấy Đức Phật đói, liền lấy lúa của ngựa ăn, nấu cơm dâng cúng dường cho Đức Phật. Đức Phật cứ tự nhiên ăn, các đệ tử của Đức Phật, thấy Đức Phật ăn như vậy, vị nào cũng khóc! Đức Phật hỏi tại sao các ông lại khóc?
Ông A Nan Đà thưa:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Chúng con ăn gì cũng được, riêng Đức Thế Tôn là vị Pháp vương Vô thượng, là vị Giáo chủ trong cõi Ta bà này, cũng như trong Tam Giới này không ai bằng Đức Thế Tôn được. Đức Thế Tôn là thầy của các cõi Trời và làm thầy trong cõi Nhân gian này. Đức Thế Tôn ăn lúa của ngựa ăn, chúng con thấy thương quá, nên chúng con khóc.
Đức Phật liền gọi ông A Nan Đà đến ngồi kế bên rồi tự tay Ngài nhúm lấy nắm cơm trực tiếp đút cho ông A Nan Đà ăn, ông A Nan Đà bật khóc lần thứ hai, dưới sự ngỡ ngàng của mọi người.
Đức Phật hỏi ông A Nan Đà:
– Tại sao ông lại khóc nữa?
Ông A Nan Đà bạch cùng Đức Phật:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Từ khi chúng con theo Đức Thế Tôn học Đạo, lần thứ nhấ t con khóc là vì con nhận ra ý sâu mầu của Đức Thế Tôn dạy nơi kinh Thủ Lăng Nghiêm, con có thệ nguyện rằng:
– Dù hư không này có hư hoại, nhưng lòng kiên cố của con tin lời Đức Thế Tôn dạy không bao giờ thay đổi, Như Lai đã ấn chứng cho con, nên con khóc.
Còn hôm nay, con ăn miếng cơm mà nấu từ lúa của ngựa ăn, mùi vị của miếng cơm này: Quá ư là tuyệt ngon, mà con chưa hề nếm được trong Trần gian này nên con cảm động mà khóc!
Đức Phật liền nói với ông A Nan Đà và những người có mặt:
– Này ông A Nan Đà và các đệ tử có mặt tại nơi này: Sở dĩ, hôm nay Như Lai ăn bữa cơm này, có 3 lý do như sau:
Thứ nhất: Nhân – Quả mà Như Lai phải trả ở cõi Ta bà này: Vì đời trước, Như Lai là vị Trưởng giả, có lần cho vua Ba Tư Nặc ăn cơm bằng lúa của ngựa ăn, nên hôm nay Như Lai phải trả quả này.
Thứ hai: Chứng minh: Khi một người tu đã được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, thì phước báu của người chứng ấy, trong Thế Giới này không có gì bằng được, để chứng minh phước báu của một vị Phật, nên Như Lai cho ông A Nan Đà ăn miếng cơm tầm thường này, nhưng Như Lai đã chuốc phước của Như Lai vào trong miếng cơm ấy, để ông A Nan Đà cảm nhận được phước báu tuyệt diệu của Như Lai, chớ nếu Như Lai không chứng minh thực tế phước báu này, các ông sẽ không tin.
Đức Phật dạy thêm:
– Một vị đã thành Phật rồi: Dù người đó có uống thuốc độc cũng không sao, tức muôn biến thuốc độc thành nước cam lồ cũng được, hay muốn cho thuốc độc tàn phá cơ thể Vật lý Trần gian này cũng được.
Thứ ba: Như Lai sẽ độ vua Ba Tư Nặc này: Không tin những lời tà ma ngoại Đạo nữa. Vì khi Như Lai dùng bữa cơm này xong, chư Thiên sẽ quở mắng Nhà vua, làm Nhà vua thức tỉnh đến sám hối với Như Lai, sau đó Như Lai sẽ dạy Nhà vua tu theo Pháp môn Thiền Thanh Tịnh để không còn bị Ma ám nữa.
Ông A Nan Đà nghe lời Đức Phật chứng minh và dạy như vậy, vui mừng hết sức cám ơn Đức Phật, các vị đi theo Đức Phật cũng vui theo.
Đúng như lời Đức Phật dạy: Sau đó, vua Ba Tư Nặc bị chư Thiên quở trách, Nhà vua liền đến trước Đức Phật sám hối, được Đức Phật dạy Pháp môn tu Thanh Tịnh Thiền, từ đây Nhà vua không còn tin những lời tà mỵ nữa, luôn lúc nào cũng hành Thanh Tịnh Thiền và tôn kính Đức Thế Tôn.
Ông Trịnh Hoàng Kiếm nghe Trưởng ban kể, mà say sưa ngồi nghe, khóe mắt ông đầm đìa lúc nào mà ông không hay biết! Ông hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban.
8- Ông Trương Huyền Khánh, sanh 1945, tại Bảo Lộc, Lâm đồng, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Tp. HCM.
Hỏi một loạt 5 câu như sau:
Một: Trong các Luận của Tổ sư Thiền dạy: Ai muốn cho Phật tánh xuất hiện tâm mình phải Thanh Tịnh, là Thanh Tịnh làm sao?
Hai: Không dụng công tu làm sao Phật tánh hiện ra được?
Ba: Người muốn làm Phật tử phải như thế nào?
Bốn: Tứ đại luôn luôn bị luân chuyển, tức Luân hồi, cớ sao trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật dạy: Tứ đại là hằng thường và Thanh Tịnh?
Năm: Thiền sư Đức Sơn nói: Các ông tu theo Đạo Phật đừng để cho Đức Phật và các vị Tổ sư lừa mình. Tại sao Thiền sư Đức Sơn lại có lời nói xúc phạm như vậy?
Trưởng ban Quản trị Chùa trả lời cho ông Trương Huyền Khánh:
Câu thứ nhất: Phật tánh xuất hiện. Đây là các vị Thiền sư dạy cách tu Thiền Thanh Tịnh:
1- Có nghĩa như sau: Khi người tu thực hành tâm tự nhiên Thanh Tịnh mà hằng tri rồi, tức không còn bị các vọng tưởng lao xao trong tâm thức của người tu nữa; tâm vọng tưởng không còn, tức thì Phật tánh của người đó sẽ hiện ra, cho nên các Ngài nói: -“Tâm Thanh Tịnh thì Phật sanh”, còn bên Tịnh Độ các Ngài dạy: “Tâm tịnh thì độ tịnh”. Có nghĩa là khi tâm người tu Thanh Tịnh rồi, tức khắc tâm mình là Tịnh Độ đó.
2- Còn tâm người tu mà khởi vọng lên thì tâm Thanh Tịnh không còn, cũng gọi là Phật tánh bị mất đi, nên các Ngài nói: “Tâm vọng khởi lên thì Phật liền bị diệt”.
Chúng tôi đưa ví dụ cụ thể về Vật lý để ông hiểu thật rõ như: Ly nước bị đục là vì lúc nào chúng ta cũng làm cho nó xao động, nếu chúng ta không làm cho nó động, nước trong ly sẽ dần dần trong sáng lại ngay.
Câu thứ hai: Về dụng công tu hành để Phật tánh hiện ra: Đây là câu hỏi tuy bình thường, nhưng lại rất khó giải đến chỗ sâu mầu này. Vì chỗ sâu mầu này, nên các vị tu Thiền, họ bảo phải dụng công kiểu này, hành kiểu kia, để lòi ra Phật tánh. Tôi xin giải chỗ này, ông nên cố gắng lắng nghe cơ may sẽ lãnh hội được:
Phật tánh vốn là Thanh Tịnh, rỗng lặng và hằng tri. Phật tánh vốn là như vậy, nếu vị nào dụng công tu hành, càng dụng công tu, thì tâm mình càng bị động; càng bị động thì Phật tánh làm sao hiển lộ ra được.
Tôi xin phân tích như sau:
Hiện giờ, chúng ta đang sống trong sự cuốn hút của Vật lý Âm Dương, tức chúng ta lúc nào cũng ở trạng thái động và chạy theo dòng Luân hồi. Như vậy, luôn lúc nào chúng ta cũng động, nên Phật tánh không thể nào hiển lộ ra được.
Đức Phật dạy:
– Các ông muốn cho Phật tánh của chính mình hiện ra, các ông chỉ cần để tâm Thanh Tịnh, nhưhg luôn lúc nào cũng hằng biết là đủ. Còn các ông dụng công tu kiểu này, hành Thiền theo kiểu nọ, tức các ông khuấy động tâm Vật lý của các ông bị động, càng dụng công càng bị động thêm, thì làm sao Phật tánh hiển lộ ra được?
Vì nguyên lý này, mà Đức Phật dạy vị nào tu theo Pháp môn Thiền Thanh Tịnh là không cho dụng công là nguyên lý này vậy.
Câu thứ ba: Người muốn làm một Phật tử thật đúng nghĩa, người ấy bắt buộc phải nhận ra Tri, Kiến chân thật của chính mình; còn người không nhận ra, chỉ là mang danh từ hư ảo mà thôi!
Câu thứ tư: Nơi kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật dạy tứ đại hằng thường, còn Phật tánh là vô thường: Đức Phật dạy chỗ này có ý nghĩa như sau:
– Tứ đại hằng thường còn. Tôi xin ví dụ: Như tánh nước, dù ở đâu cũng là nước: Ở trong người, ở trong động vật hoặc ở trong ao, hồ, sông, biển, đều là tánh nước cả, nên gọi là thường. Tuy nước có luân chuyển, tức Luân hồi, dù ở đâu, tánh nước vẫn là tánh nước. Vì vậy, gọi tứ đại là thường trong cái chân thường là vậy. Tánh nước có Luân hồi, nhưng bản chất của nước vẫn là Thanh Tịnh, ba đại kia cũng như vậy.
Câu thứ năm: Đức Phật và các vị Tổ sư lừa người tu, xin giải thích như sau:
Đức Phật lừa người tu hành:
Như Đức Phật lừa người tu niệm Phật A Di Đà: Ai muốn tu về nước của Đức Phật A Di Đà để thụ hưởng những thức ăn toàn là những thứ ngon và quý nhất, đất thì bằng vàng ròng, còn cảnh thì rất tốt tươi xinh đẹp. Chim muông, toàn là những thứ chim quý như: Ca Lân Tần Già, chim Anh Vũ, Bạch hạc, v.v… tiếng hót rất hay, người nghe lòng mình được phơi phới, v.v…
Đức Phật dạy:
Ai muốn thụ hưởng những thứ nói trên, hãy niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, mà phải niệm cho đến khi vô niệm, sẽ được Đức Phật A Di Đà rước người niệm về nước của Ngài ở. Người có lòng tham lam, ham muốn cảnh mình ở sung sướng như vậy, nên niệm cho đến khi vô niệm, khi vô niệm rồi, cái tiếng niệm của mình tự nhiên tan mất! Vừa tan mất, người niệm tức khắc được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh”. Thời khắc này, cảnh Đức Phật A Di Đà mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói đâu không thấy, mà chỉ thấy không gian trùm khắp rất kỳ diệu, an vui lạ thường, không dùng lời của Thế Giới này diễn tả được. Lúc này, người niệm Phật A Di Đà, đã được về nguồn cội của chính mình, cũng nhờ Đức Phật Thích Ca lừa mình vậy!
Còn các vị Tổ sư lừa người tu:
Các vị Tổ sư lừa người tu đặc biệt hơn Đức Phật:
Như có người tu nào đến hỏi các vị Tổ Sư:
– Kính thưa Tổ: Làm sao con nhận ra Phật tánh của con.
Tổ liền đáp:
– Ông biết gạo ngoài chợ hôm nay giá bao nhiêu không?
Một câu trả lời lạc đề như vậy, ai lanh lợi sẽ nhận ra Phật tánh của chính mình, còn bằng cố tìm ý nghĩa câu trả lời của Tổ, muôn kiếp như đi tìm lông con rùa, hay sừng con thỏ vậy!
Vì chỗ bí hiểm này: Một ngàn người hỏi, chưa chắc có một người hiểu.
Để giúp cho những người có duyên lớn với Phật pháp, chúng tôi xin giải đáp như sau: Mong quí vị cố gắng, nếu nhận ra hãy bám lấy đó mà tu theo lời dạy của Tổ.
Sở dĩ, Tổ trả lời như vậy, là vì các Ngài muốn cho người hỏi không thể nào suy nghĩ lời nói của các Ngài được. Không suy nghĩ tức hết các vọng tưởng, hết các vọng tưởng tức người hỏi đã sống trong cái Thanh Tịnh của chính mình rồi. Chỉ một câu trả lời lạc đề ấy, mà Tổ đã đẩy người hỏi trở về Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh lúc nào mà mình không hay!
Vì chỗ quá bí hiểm này, chúng tôi xin lặp lại: Vị nào nhận ra chỗ này, tức khắc Giác Ngộ ngay! Mình Giác Ngộ là vì nhờ các Tổ lừa mình vậy!
Người tu mà còn ham kiếm tìm, hoặc ham dụng công, thì đối với Đạo Thiền coi như vô phần!
Ông Trương Huyền Khánh thốt lên:
– Suốt đời tu học của tôi, tôi chưa hề nghe ai giải nói chỗ bí hiểm của Đức Phật dạy, cũng như biệt truyền của các vị Tổ.
Ông hết sức vui mừng và cám ơn Trưởng ban. Nhiều người có mặt, ai cũng vui mừng theo.
9- Cụ Nùng Phát Nhã, sanh năm 1925, tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cư ngụ tại Tp. Denver, Colorado, Hoa Kỳ. Hỏi Trưởng ban Quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu như sau:
– Kính Trưởng ban: Tôi đọc sách của tác giả Nguyễn Nhân viết, thật tình từ nhỏ đến lớn chưa hề đọc được những quyển sách viết về lời Đức Phật dạy mà rành mạch như thế này. Đáng lẻ ra chúng tôi không cần hỏi gì thêm, vì bao nhiêu lối tu, hoặc cả trăm câu hỏi mà Trưởng ban đã trả lời cho những vị hỏi, cũng đủ cho chúng tôi tu rồi. Vì tôi ở xa, hơn nữa nay đã lớn tuổi, lần về Việt Nam này, là lần chót. Tôi có ba cái thắc mắc như sau, xin Trưởng ban giải đáp cho, thành thật cám ơn:
Một: Tu theo Thiền Tông Nhà Phật, xem ra rất dễ dàng, cũng dễ thực hành, mà lại có kết quả rất nhanh và chính xác, tại sao người tu theo Đạo Phật không tìm hiểu Pháp môn Giải Thoát để tu?
Hai: Người tu theo Đạo Phật, mỗi ngày lạy hằng trăm lạy, hay mỗi bước đi lạy một lạy, có đúng với các kinh của Đức Phật dạy không?
Ba: Tính ra, Đạo Thiền rất khoa học và thực tế, lại chỉ rất rõ phương cách đưa người tu trở về nguồn cội của chính mình, cũng được xem là tinh hoa bậc nhất nơi Thế Giới này, sao lại ít người nghe và hành theo như vậy?
Trưởng ban Quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu trả lời 3 thắc mắc gay go của cụ Nùng Phát Nhã:
Thắc mắc một: Thưa cụ Nùng Phát Nhã: Các câu hỏi của cụ tuy là đơn giản, nhưng lại bí hiểm vô cùng. Chúng tôi xin nêu lên những lý do sau đây, để cụ biết tại sao người sống nơi Thế Giới này không chịu tìm hiểu để trở về sống với nguồn cội của chính mình. Về vật chất:
loài Người ai cũng ham mê vật chất, nên khó mà thoát ra ngoài sự cuốn hút của vật chất nơi Thế Giới này.
loài Người ai cũng ham mê Thần quyền, thích Thần linh, nên dính vào 2 phần này.
Vì vậy, họ bị 2 loại người sau đây dụ dỗ:
– Loại người thứ nhất: Họ bịa ra và nói: Tôi là đại diện cho Ông, Bà…, nếu ai thích giàu sang, hãy đưa tiền cho tôi, tôi cầu xin giùm cho.
– Ai muốn về nhà Ông, Bà này ở, cũng đưa tiền cho tôi, tôi cầu xin cho.
Vì loài Người có lòng tham mà sợ, nên đi cầu người này, xin người kia. Những người họ đi cầu xin đó, họ không biết Giác Ngộ là sao, thì làm sao họ biết đường Giải Thoát mà dạy lại cho người khác.
Thắc mắc hai: Người tu mà mỗi ngày lạy Phật hằng trăm lạy, hoặc mỗi bước đi lạy một lạy. Những người này họ bắt chước theo truyện Tàu: “Tiết Đinh Sang, cầu Phàn Lê Huê”. Ý của người này, muốn đem những cái lạy như vậy, để cầu Phật, mong Phật động lòng, rước họ về nước Cực Lạc ở. Còn được hay không, sẽ tính sau. Họ làm vậy, có người cúng tiền và khen ngợi là được.
Thắc mắc ba:Câu thứ 3 này gần như trùng với câu thứ nhất, nhưng để cụ được rõ thông thế: Chúng tôi xin lặp lại: Sở dĩ con người không chịu tìm hiểu sự thật để sống, cũng vì lòng của họ quá tham lam mà sợ sệt.
Cụ Nùng Phát Nhã nghe Trưởng ban giải thích, liền nói với Trưởng ban:
– Tôi là người dân tộc thiểu số, phước báu của chúng tôi ở Thế Giới này không nhiều, nhưng khi đọc được sách do Trưởng ban giải thích, tôi đã nhận ra được ý sâu mầu của Đức Phật dạy. Đức Phật dạy: Người sống ở biên địa, hải đảo, rừng núi, v.v… là những người ít phước hơn những người ở thành thị, nhưng nay tôi nhận được ý sâu mầu hiếm có này, tôi thấy mình có phước lớn lao quá. Hôm nay tôi về đây, trước, viếng Chùa đặc biệt này, sau, chân thành cám ơn Trưởng ban đã nói ra những ý sâu xa mà Đức Phật đã dạy nơi cõi Ta bà này.
Cụ Nùng Phát Nhã miệng nói hơi run, còn nước mắt lại chảy ra nhiều.
Trưởng ban nói:
Chúng tôi nhận thấy, vị nào đọc sách viết về Thiền Tông học mà được dẫn giải đến chỗ cao tột, khi nhận ra được ý sâu mầu của Đức Phật dạy, người nào cũng khóc cả. Theo lời Đức Phật dạy, cái khóc này là do sự cảm ngộ sâu xa lời dạy của Đức Phật mà ra.
Cụ Nùng Phát Nhã hết sức vui mừng và cám ơn.
10- Cụ ông Trịnh Thái Châu, sanh năm 1940, tại Cà Mau, cư ngụ tại Tp. Cần Thơ, hỏi như sau:
– Hiện nay, chúng tôi thấy Chùa nào cũng gõ mõ, tụng kinh, tu như vậy có phải là tu Tịnh Độ không?
Trưởng ban trả lời:
– Như cụ đã biết, người tu Tịnh Độ, là tu cho tâm mình được Thanh Tịnh. Bởi vậy, trong kinh A Di Đà có dạy: Người tu Tịnh Độ, phải tu làm sao cho tâm mình được định hoàn toàn. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy: Phải định trong cái “Tịnh Độ trung”. Tức là Tịnh Độ nơi tâm mình. Như vậy, người gõ mõ tụng kinh không phải tu Tịnh Độ.
Các vị tu tụng, ở trong Chùa được xếp như sau:
– Quý thầy hoặc quý Sư cô, tu trong Chùa, mà đi tụng đám, để kiếm tiền, được xếp vào “Thầy tụng”.
Cụ Trịnh Thái Châu hỏi tiếp:
– Còn các Chùa hiện nay, quý thầy: Tụng đám, coi ngày, xem giờ, cầu siêu, cầu an, v.v…, quý thầy ấy được gọi là thầy gì?
Trưởng ban trả lời:
– Thầy tụng đám, gọi là thầy cúng.
– Thầy coi ngày, xem giờ, gọi là thầy bói.
– Thầy cầu siêu, cần an, gọi là thầy cầu.
Cụ Trịnh Thái Châu lại hỏi tiếp:
– Có vị xưng mình là Thiền sư, nhưng họ lại đi cầu siêu, vị đó có phải là Thiền sư không?
Trưởng ban trả lời:
– Xét đúng lời của Đức Phật dạy: Thiền sư thứ thiệt không đi làm những chuyện ấy, mà vị nào là Thiền sư thứ thiệt, họ phải hiểu tất cả các Pháp môn Thiền của Nhà Phật, và phải hiểu tất cả các Pháp môn của Đạo khác. Duy nhất việc làm của Thiền sư: Dạy và phân tích việc tu Thiền của Đức Phật dạy, mà phải hiểu tột cùng, nhất là Thiền Tông học phải thấu triệt.
Trưởng ban nói tiếp:
– Xin trình cho cụ rõ: Từ khi Đức Phật thành lập ra Giáo đoàn chỉ có 3 Pháp môn tu như sau:
Một: Tu Thiền: Quán, tưởng. Pháp môn này Đức Phật dạy 15 năm đầu, được gọi là Nguyên thủy, danh từ hiện nay là Thiền Tiểu thừa.
Hai: Tu Thiền: Nghi, tìm. Pháp môn tu này Đức Phật dạy vào các năm gần sau cùng, được gọi là Đại thừa.
Ba: Tu Thanh Tịnh Thiền: Để tâm Thanh Tịnh, rỗng lặng, hằng tri. Pháp môn này Đức Phật dạy 4 năm sau cùng nơi vùng núi Linh Sơn, gọi là “Như Lai Thanh Tịnh Thiền”. Chính Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này, mới dẫn chúng sanh đến quả Phật được.
Còn gõ mõ tụng kinh: Pháp môn này do Hòa thượng Hoa Lâm, thời Nhà Đường bên Trung Hoa, Ngài biên soạn theo ý các kinh để cho người tu theo Đạo Phật để nhớ mà hành theo lời Đức Phật dạy, chớ không phải để tụng.
Sau này: Các Chùa họ biến những lời của Hòa thượng Hoa Lâm thành một Pháp môn tụng. Các Thiền sư gọi Pháp môn tụng ấy là Pháp môn “trình Phật”!
Cũng từ Pháp môn tụng này: Các thầy chế biến ra để đi tụng kiếm tiền, dần dần sau này thành thói quen. Do đó, người kém học thức làm sai hồi nào mà mình không hay biết!
Mặt khác, các Chùa lấy lời kinh tiếng kệ để ru ngủ lòng người, cho bớt tham lam và hung dữ. Cũng kể từ ngày đó: Môn tụng này được nhiều người ưa thích, nên tồn tại đến ngày hôm nay.
Xin nói cho thật rõ thêm: Đức Phật dạy Đạo, các đệ tử Ngài ghi chép lại thành kinh, để dìu dắt chúng sinh trở về nguồn cội của chính mình. Cụ thử nghĩ xem: Đức Phật dạy Đạo để cho mọi người biết đường về quê xưa của mỗi người. Trái lại, chúng ta không chịu làm theo lời Ngài dạy, mà đem lời dạy của Ngài, đến trước tượng Cimen, hay tượng gỗ, đọc cho tượng Cimen hay tượng gỗ nghe! Người hiểu biết lời Đức Phật dạy, họ sẽ nghĩ gì về người đọc tụng đó như thế nào?
Xin nói rõ thêm: Nếu hiện giờ, chúng ta bị bệnh, thầy thuốc kê toa, bảo đến nhà thuốc mua thuốc đem về nhà uống để cho hết bệnh, mà chúng ta không chịu đi mua thuốc uống, mà ngày nào cũng đem toa thuốc ấy đến trước bác sỹ đọc! Các ông nghĩ sao, chúng ta là người gì?
Sở dĩ, hiện giờ chúng ta bị lầm lẫn việc này: Vì các Chùa thiếu Luật sư Nhà Phật hướng dẫn, nên các Chùa, hiểu sao làm vậy. Vô tình, mình tu theo Đạo Giác Ngộ và Giải Thoát, mà lại không Giác Ngộ Giải Thoát gì cả, mà phải vướng mắc vào Nhân – Quả Luân hồi lúc nào mà cũng không hay!
Trưởng ban nói thêm:
Hiện nay, chúng tôi hết sức buồn: Thấy có nhiều vị Thầy dạy đệ tử, khi có đệ tử mình có việc gì đó không may, vị Thầy đến cầu phúc cho đệ tử ấy.
Còn khi vị Thầy bị bệnh qua đời, các đệ tử ùn ùn kéo đến cũng để cầu an, cầu siêu cho vị Thầy của mình!? Thật là làm luẩn quẩn! Làm mất đi thanh cao của một vị Thầy thay mặt Phật, dạy lại những lời hay ý đẹp của Giáo chủ mình. Vô tình, biến Đạo Phật thành Đạo Thần quyền, ưa ban phước hay cho của thiên hạ lúc nào mà mình cũng không hay, v.v… Chúng tôi đã từng khóc! Khóc rất nhiều, khi thấy những trường hợp như trên đã xảy ra!
Trưởng ban lại nói thêm:
– Còn về coi tay, coi tướng, xin xăm, bói quẻ, ngày xấu, ngày tốt, v.v… đó là chuyện của các thầy Đồ bên Đạo Lão. Sự việc này du nhập vào Việt Nam khi người Trung Hoa đến Việt Nam sinh sống, họ đem theo những tính ngưỡng của dân tộc họ. Cái đặc biệt của chúng sinh: Nghe ai nói gì cũng nghe, cũng làm theo, mà không kiểm chứng theo khoa học. Vì vậy, hiện nay chúng ta thấy quá nhiều tín ngưỡng nơi đất nước này. Hiện nay, đầu óc con người đã văn minh tột đỉnh rồi. Có thể nói: Bom Hạt nhân chỉ 2 nước Nga và Mỹ thôi, cũng đủ phá địa cầu này mấy lần cũng được! Nhưng loài Người không đem sự hiểu biết của mình để giúp mọi người nhận ra điều gì thật, điều gì giả dối nơi Thế Giới này? Đó là chúng ta nói mênh mông…
Còn các vị tu sỹ của Việt Nam: Cái gì làm có tiền thì làm, do đó mất đi cái tinh hoa Phật giáo hồi nào mà không biết, uổng công cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tìm ra con đường Giác Ngộ và Giải Thoát cho chúng sinh nơi cõi Nam Diêm Phù Đề này.
Cụ Trịnh Thái Châu nghe lời giải thích của Trưởng ban, cụ cũng rất buồn và cám ơn.
TRÍCH: KHAI THỊ THIỀN TÔNG (QUYỂN 5)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN
Tin cùng loại
|SĐTT| 11. VUA TRẦN NHÂN TÔNG DẠY CON CÁCH GIỮ NƯỚC, CÔNG THỨC GIẢI THOÁT...
|SĐTT| 10. HUYỀN KÝ CỦA ĐỨC PHẬT TRUYỀN THEO DÒNG THIỀN TÔNG
|SĐTT| 9. SÁCH TRẮNG THIỀN TÔNG
|SĐTT| 8. CUỘC ĐỜI VÀ NGỘ ĐẠO CỦA 36 VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ẤN ĐỘ - TRUNG HOA - VIỆT NAM
|SĐTT| 7. ĐỨC PHẬT DẠY TU THIỀN TÔNG
|SĐTT| 6. HUYỀN KÝ CỦA ĐỨC PHẬT VÀ NHỮNG VỊ NGỘ THIỀN
|SĐTT| 5. KHAI THỊ THIỀN TÔNG
|SĐTT| 4. NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 2
|SĐTT| 3. HÀNH ĐÚNG LỜI ĐỨC PHẬT DẠY CHẮC CHẮN ĐƯỢC GIẢI THOÁT
|SĐTT| 2. NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 1
Tin liên quan
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI SÁU
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI LĂM
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI BỐN
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI BA
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI HAI
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI MỐT
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ BA MƯƠI
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ HAI MƯƠI CHÍN
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ HAI MƯƠI TÁM
▶︎ |TSTT| VỊ TỔ SƯ THIỀN TÔNG ĐỜI THỨ HAI MƯƠI BẢY
Top
© 2019 TỔ SƯ THIỀN TÔNG . All rights reserved