Ông Trần An Quốc hỏi

10- Vị thứ chín: Ông Trần An Quốc, sanh năm 1961 (49 tuổi), tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Cư ngụ tại quận 3, Thành Phố Hồ Chí Minh, hỏi 3 câu:
Câu 1: Theo tôi được biết, ở thế giới này, người tu theo đạo Phật dễ thành tựu nhất là tu pháp môn Tịnh Độ, còn tu theo Thiền tông ít có người hiểu nên ít người tu.
Câu 2: Tôi nghe Thầy giảng trong quyển sách “Tu theo pháp môn nào của đạo Phật dễ giác ngộ”. Xin Thầy phân tích chổ dễ là dễ như thế nào?
Câu 3: Thầy có thể giảng cho chúng tôi biết, cõi Tịnh Độ ở đâu không?
 
Trưởng ban hỏi ông Trần An Quốc:
– Hiện ông đang làm nghề gì?
Ông Trần An Quốc cộc lốc trả lời:
– Thầy giáo.
Trưởng ban hỏi:
– Thầy dạy cấp mấy?
Thầy giáo Trần An Quốc cũng cộc lốc trả lời:
– Đại học.
Trưởng ban khiêm nhường nói:
– Nếu thầy dạy bậc đại học, được xếp vào hàng giáo sư. Chắc có lẽ sự hiểu biết của thầy là đúng. Xin cho tôi miễn trả lời 3 câu mà thầy đã hỏi.
Ông Trần An Quốc hơi lễ phép năn nỉ:
– Tuy tôi là giảng viên đại học, nhưng tôi đọc được quyển sách Thầy giảng, tôi thấy khác hẳn với sự hiểu biết của tôi, nên tôi đi theo anh em đến đây để hỏi cho cạn lẽ. Xin Trưởng ban giải đáp cho?
Trưởng ban nghe lời nói nhẹ của giảng viên Trần An Quốc, nên hỏi lại:
– Giảng viên muốn tôi trả lời cạn hay sâu của phương pháp tu Tịnh Độ này?
Giảng viên Trần An Quốc, lễ phép thưa:
– Xin Trưởng ban giải thích chiều sâu của pháp môn tu Tịnh Độ?
Trưởng ban Quản trị chùa trả lời:
Câu 1: Tu theo Tịnh Độ là người tu chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Chúng tôi tìm trong các kinh, sách, có 3 loại niệm và 8 cách như sau:
Loại 1 là khẩu niệm (tức niệm ra tiếng).
Khẩu niệm, cố 3 cách:
Cách 1: Nhất niệm vạn niên (một niệm muôn năm).
Cách 2: Vô trụ niệm (không cho tiếng niệm Phật A Di Đà, dính với nhau).
Cách 3: Chuyển luân niệm, (tiếp theo tiếng niệm cho tư tưởng chạy vòng châu thân từ trên xuống rồi từ dưới lên).
Loại 2 là Ý thức niệm (niệm thầm bằng thức biết của tâm vật lý, không cho ra tiếng, cũng gọi là Pháp trần niệm).
Ý thức niệm, cổ 3 cách:
Cách 1: Tùy niệm (duyên theo tiếng niệm).
Cách 2: Trường niệm (tiếng niệm kéo thật dài).
Cách 3: Đoạn niệm (niệm từng tiếng một, tiếng nào ra tiếng nấy, hay niệm cách khoảng).
Loại 3 là tâm niệm (niệm bằng tâm).
Tâm niệm, có 2 cách:
Cách 1: Vọng tâm niệm, cho tâm vọng tưởng niệm, để mong thấy các hình ảnh bên ngoài, đặc biệt mong thấy Đức Phật A Di Đà hoặc các vị Bồ tát.
Cách 2: Chân tâm niệm; cái chân tâm này giảng sư phải hiểu như sau:
– Khi còn ở trong Phật tánh, được gọi là “Ý trong Tánh Phật”, gọi gọn là “Phật tánh”.
– Khi Phật tánh vào trong tam giới, nó bị vào vỏ bọc cấu tạo bằng Âm Dương của tánh Người, cho nên không ai biết tánh Phật nữa, mà họ tưởng tượng là Linh Hồn.
Trong tứ đại của một con người có 2 thứ như sau:
– Thân xác của tứ đại gọi là “Sắc thân”.
– Trong sắc thân ấy có cái gọi là Tâm.
Trong Tâm này lại có 2 thứ:
– Vọng tâm, tức tâm tưởng tượng.
– Chân tâm, chính đây là Phật tánh.
Cái chân tâm này, Đức Phật gọi là cái “Như Như chân thật”. Người tu pháp môn “Tịnh Độ tông” này phải tu như sau thì mới đúng với lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy:
– Các ông niệm là nhớ, mà phải nhớ cái “Như Như chân thật” thì mới đúng; còn các ông nhớ Đức Phật A Di Đà là sai!
Vì sao sai?
– Vì Đức Phật A Di Đà là cái ảo bóng của vật lý. Nên Như Lai có dạy trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật như sau:
– Khi các ông niệm Phật, mà nhận thấy rõ ràng ở trong tự nhiên thanh tịnh, trong sáng, mát diệu, trùm khắp, đó là “Chân Như” của các ông đó, sống với cái Chân Như ấy là phải.
– Còn các ông niệm mà thấy hình bóng bất cứ Đức Phật nào đều là giả dối. Vì vậy, Như Lai dạy các ông: “Gặp Phật này không theo”. Phần này các vị Tổ dạy rõ ràng: “Gặp Phật giết Phật”. Cái Như Như chân thật này là Phật tánh, Phật tri kiến, chân Tâm, Tánh giác, Bản lai diện mục, hay Viên giác tánh, v.v… Chính là “Đạo Nhân vô tu vô chứng mà trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật đã dạy.
Trên đây là 8 cách tu niệm Phật mà các thầy dạy goi là tu Tịnh Độ, Trong 8 cách niệm, chỉ có cách thứ 8 là vào được Bể tánh Thanh thịnh Phật tánh của chính mình, tức vào được Niết bàn (vô sanh); còn 7 cách trước đều bị đi vào các cõi hữu sanh hết. Trong 36 vị Tổ Thiền tông, Tổ 29 Ngài Huệ Khả cũng “Niệm Phật” là niệm cách thứ 8 này vậy.
 
Câu 2: Sự thật, tu theo Thiền tông hết sức dễ, chỉ vì quá dễ nên mọi người không để ý. Chúng ta chỉ cần không theo 2 bên là đủ, cũng như các Thiền sư bảo: “Chớ vọng tưởng”, là chúng ta “phủi sạch” sự cuốn hút của vật lý Âm Dương, nên không kết thành nhân duyên, Âm Dương không kết dính, thì làm gì có nhân duyên, không có nhân duyên thì làm gì có kết quả, Các thứ trên không có, sóng nghiệp làm gì kéo chúng ta đi được?

Câu 3: Cõi tịnh là nơi thanh tịnh trong tim của chúng ta. Bởi vậy, trong kinh A Di Đà có câu:
– Tịnh Độ Trung.
– Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu.
– Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh
Tịnh Độ Trung là cái thanh tịnh ở nơi tâm của chúng ta:
– Hướng Đông là soi sáng, khởi đầu, tượng trưng cho Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, cũng gọi là vua thầy thuốc.
– Hướng Tây là nghỉ ngơi, tượng trưng cho Đức Phật A Di Đà.
– Vì có Đông, có Tây, nên có ở Giữa, ở Giữa nên gọi là Tịnh Độ Trung.
Tịnh Độ Trung nó ở đâu?
Nó ở ngay trong lòng của chúng ta. Đức Phật A Di Đà bảo, sống được với cái thanh tịnh của chính mình, thì mình sống với cái thanh tịnh mà bên Thiền tông Đức Phật Thích Ca dạy là Như Lai Thanh tịnh thiền.
 
 
TRÍCH: NHỮNG CÂU HỎI VỀ THIỀN TÔNG 2 (QUYỂN 4)
TÁC GIẢ: THIỀN GIA – SOẠN GIẢ NGUYỄN NHÂN